Lý do các tay vợt tennis chuộng mặc đồ trắng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Với vẻ đẹp tinh khôi và sạch sẽ, tông màu trắng đã tồn tại như một truyền thống lâu đời đối với trang phục thi đấu của làng quần vợt từ nhiều thế kỷ trước. Sắc trắng không chỉ giúp cho môn thể thao này trở nên nổi bật hơn mà còn trở thành màu sắc chủ đạo đặc trưng ở cả bên ngoài sân đất nện.
Lý do các tay vợt tennis chuộng mặc đồ trắng

Mặc dù hầu hết các giải quần vợt lớn đã loại bỏ luật lệ yêu cầu các tay vợt phải mặc trang phục màu trắng, nhưng tại Wimbledon - giải đấu lâu đời nhất trong số đó - cũng như nhiều câu lạc bộ tennis trên khắp thế giới, các quy định liên quan tới màu sắc chủ đạo này vẫn được áp dụng nghiêm ngặt. Giải Wimbledon danh giá thậm chí đã siết chặt quy định hạn chế trang phục thi đấu sặc sỡ từ gần một thập kỷ trước – sau khi tay vợt Roger Federer “trình làng” đôi giày thể thao đế cam gây xôn xao của tại giải đấu năm 2013.

Những quy định trước đây từng cho phép các tay vợt mặc trang phục thi đấu "chủ yếu là màu trắng", tạo điều kiện cho các màu sắc khác được xuất hiện trên sân đấu, chẳng hạn như bộ cánh thi đấu của Serena Williams vào năm 2010 lấy cảm hứng từ dâu tây trộn kem - món tráng miệng “đặc sản” của Wimbledon. Nhưng những thay đổi mới đây đã giới hạn quy định này thành "gần như hoàn toàn là màu trắng": không bao gồm màu trắng ngà, các mảng màu, hoặc nhiều màu sắc khác nhau trên giày thể thao. Lần nới lỏng quy định gần đây nhất là vào năm 2023, cho phép các tay vợt nữ mặc quần short tối màu trên sân, sau những chỉ trích rằng các quy tắc này gây nhiều trở ngại cho những nữ vận động viên trong kỳ kinh nguyệt.

Nhưng tại sao sắc trắng lại trở thành tiêu chuẩn của quần vợt? Những lý do được nêu ra thường mang tính thực tiễn, từ khả năng phản xạ nhiệt đến che vết mồ hôi. Nhưng giám tuyển cấp cao Kevin Jones của Bảo tàng Thiết kế & Kinh doanh Thời trang ASU (ASU FIDM) tại Los Angeles, đồng thời là nhà tổ chức của triển lãm lưu động “Thời trang và thể thao: Sự năng động của phái nữ 1800 - 1960”, cho biết quy định về màu sắc này thực chất bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của các câu lạc bộ tennis hoạt động dựa trên hình thức phân chia địa vị xã hội. Các câu lạc bộ khép kín này được thành lập từ khi quần vợt trở nên phổ biến như một môn thể thao giải trí ở Anh vào thời Victoria — và là một bộ môn hiếm hoi cho phép phụ nữ được tham gia.

“Quy định này hoàn toàn xuất phát từ chủ nghĩa tinh hoa mang tính phân biệt đối xử vì quần áo trắng rất khó bảo quản. Và những chiếc váy tennis thường được làm bằng các loại vải dễ bị nhăn như cotton và vải lanh, vì vậy cần phải đầu tư khá nhiều công sức vào việc chăm sóc để giữ trang phục đẹp như mới ” ông cho biết.

Thách thức các quy tắc nghiêm ngặt

Tất nhiên, thời trang quần vợt đã thay đổi đáng kể trong hơn một thế kỷ qua, kể từ khi bộ môn tennis bắt đầu trở thành một trào lưu giải trí dành cho tầng lớp thượng lưu, ngay sau môn croquet (có sử dụng cùng một loại sân đấu). Trang phục chơi quần vợt ban đầu giống với đồ mặc ngoài trời vào thế kỷ 19: phụ nữ mặc họa tiết sọc và hoa văn cùng với váy dài, corset và mũ rộng vành; đàn ông mặc quần len và áo sơ mi hoặc áo len.

Nhà báo thể thao Ben Rothenberg, tác giả của cuốn "Tennis: The Stylish Life" cũng như cuốn tiểu sử gần đây về tay vợt Naomi Osaka, cho biết: "Do khán giả và người chơi thường có những phong cách ăn mặc tương tự nhau nên thời trang và quần vợt đã có "sự giao thoa theo thời gian, trong đó nhiều xu hướng quần vợt cũng đã được áp dụng trong văn hóa đại chúng".

Lý do các tay vợt tennis chuộng mặc đồ trắng ảnh 1

Naomi Osaka mặc trang phục thi đấu trắng tại Wimbledon 2024, tuân thủ quy tắc logo tối thiểu, toàn màu trắng của giải đấu - ngoại trừ quần đùi tối màu, vốn là một quy định mới dành cho nữ vận động viên. Ảnh: Getty

Sự giao thoa đó càng trở nên nổi bật hơn trong vài tháng qua với sự tiên phong của nữ diễn viên Zendaya, từ những bộ cánh sang trọng lấy cảm hứng từ tennis được cô diện trên thảm đỏ quảng bá bom tấn "Challengers", đến trận đấu "quần vợt trên không" với tay vợt Roger Federer trong chiến dịch của thương hiệu thể thao On. Mối liên kết chặt chẽ với thời trang cũng đã giúp các thương hiệu thể thao lâu đời như Lacoste và Fred Perry gặt hái nhiều thành công. Xu hướng tennis cũng đem lại những cải tiến táo bạo về trang phục thi đấu trên sân đất nện, điển hình là sự xuất hiện của vận động viên người Tây Ban Nha Lilí de Álvarez với quần ống rộng culottes và váy xẻ tà của nhà mốt Schiaparelli tại Wimbledon năm 1931.

Giống như trường hợp của tay vợt De Álvarez, quy định về trang phục thi đấu thường thay đổi sau khi xảy ra một vụ bê bối. Tay vợt người Pháp Suzanne Lenglen là một trong những trường hợp đầu tiên và đáng nhớ nhất khi cô đã chọn một chiếc váy midi thoáng mát phối cùng với áo cộc tay tại Wimbledon năm 1919, thay vì những chiếc váy dài nhiều lớp vướng víu. Là nàng thơ của nhà thiết kế Jean Patou, Lenglen đã trở thành biểu tượng thời trang đầu tiên của quần vợt với phụ kiện khăn trùm đầu đặc trưng và những chiếc váy ngắn gây tranh cãi vào thời điểm đó.

Tại giải Mỹ, Pháp và Úc Mở rộng, nhiều tay vợt đã dám phá vỡ các quy tắc về trang phục (tùy thuộc vào quyết định ​​của trọng tài). Trong số đó không thể không kể đến chị em nhà Williams, với tay vợt Serena trong chiếc váy ngắn bằng vải denim, chân váy tutu và áo choàng. Cô em gái Venus cũng không kém cạnh với bộ trang phục thi đấu phối ren đen và đỏ gợi liên tưởng đến các chi tiết trên đồ nội y.

Gần đây hơn, Serena Williams đã trở thành chủ đề bàn tán tại Giải quần vợt Pháp Mở rộng 2018 khi cô chọn bộ jumpsuit ôm sát màu đen của Nike mà không mặc kèm chân váy. Mặc dù cô đã đưa ra lý do liên quan tới vấn đề lưu thông máu sau khi gặp biến chứng nghiêm trọng trong quá trình sinh nở, Giải quần vợt Pháp cho biết họ sẽ cấm kiểu trang phục này trong tương lai. Tuy nhiên, được sự cho phép của Hiệp hội Quần vợt Nữ, Williams tiếp tục mặc các phiên bản khác nhau của bộ jumpsuit tại Giải quần vợt Úc Mở rộng 2019 và 2021, bình thường hóa kiểu dáng trang phục thi đấu gọn gàng và đơn giản trên sân đất nện.

Serena đã chia sẻ với CNN vào tháng 4: “Tôi rất thích mặc váy. Nhưng tôi muốn đảm bảo rằng máu của tôi luôn được lưu thông do tôi đã phải trải qua biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, tôi nghĩ đáng lẽ cần phải có… sự hiểu biết chính xác về kiểu trang phục thi đấu đó,” cô ấy nói thêm.

Phương thức nhận diện thương hiệu

Hầu hết các giải đấu Grand Slam đều đã bãi bỏ luật lệ bắt buộc mặc trang phục thi đấu màu trắng từ nhiều thập kỷ trước, khi môn thể thao này ngày càng được biết đến rộng rãi, nhằm thu hút thêm nhiều người xem truyền hình và các nhãn hiệu tài trợ.

“Màu sắc là yếu tố rất quan trọng giúp thu hút sự chú ý. Đặc biệt là đối với các nhãn hàng trang phục thể thao, màu sắc nổi bật sẽ trở nên vô cùng hữu ích trong việc quảng bá logo thương hiệu”, Jones giải thích.

Các hãng thể thao xa xỉ thường quảng bá thương hiệu theo nhiều cách, từ việc tài trợ cho các vận động viên ngôi sao những bộ trang phục đặc trưng được thiết kế riêng, cho đến quảng cáo các sản phẩm lưu niệm ăn theo liên quan tới các tay vợt.

Lý do các tay vợt tennis chuộng mặc đồ trắng ảnh 2

Đôi giày thể thao Nike đế màu cam của Roger Federer đã bị cấm thi đấu tại Wimbledon sau trận đấu ở vòng đầu tiên vào năm 2013. Ảnh: Getty

Rothenberg cho biết các quy tắc hạn chế của Wimbledon đã "gây ức chế" cho các thương hiệu đang cố gắng chào bán bộ sưu tập giải đấu của họ. Khi Fila giới thiệu áo đấu Bjorn Borg vào năm 2001, mô phỏng lại kiểu dáng trang phục mà ngôi sao quần vợt này đã mặc trong chuỗi năm lần vô địch Wimbledon từ năm 1976 đến năm 1980, các quan chức của Wimbledon cho biết Fila vi phạm quy tắc. Quyết định này đã khiến Fila phải "vật lộn" để thay thế những chiếc áo Bjorn Borg bằng những thiết kế áo đấu mới cho các tay vợt. Và sau khi đôi giày đế màu cam của Federer bị cấm, Nike đã nhanh chóng quảng cáo sự xuất hiện ngắn ngủi của chúng là "One Match Wonders".

Những điều lệ nghiêm ngặt đã gây ra sự bức bối nhất định đối với các tay vợt, và một số người thậm chí đã thẳng thừng từ chối tham gia thi đấu, như cách Andre Agassi tẩy chay Wimbledon từ năm 1988-1990. Năm 2017, Jurij Rodionov bị yêu cầu thay đồ lót màu xanh bị lộ ra ngoài áo sơ mi của mình, trong khi gần đây Sabine Lisicki cho biết các tay vợt nữ thường phải thay áo ngực màu da thành màu trắng.

Nhưng Rothenberg không chắc phía Wimbledon sẽ sớm nới lỏng quy tắc trang phục nghiêm ngặt.

“Tôi nghĩ Wimbledon coi sự lỗi thời là đặc trưng về thương hiệu và giá trị của giải đấu,” ông giải thích. “Wimbledon đã cố bám víu vào những giá trị cũ rích đó như một cách để trở nên đặc biệt và khác biệt — và tôi nghĩ rằng điều đó đã thành công. Wimbledon thật sự không giống bất kỳ giải đấu nào khác.”

Đã có những lời chỉ trích nhắm vào các giải đấu lớn bất cứ khi nào các nữ vận động viên phải chịu bất công do quy định về trang phục, và mặc dù Rothenberg đồng ý với điều này, ông cũng chỉ ra rằng thời trang thi đấu của các tay vợt nữ đã có nhiều cải tiến sáng tạo hơn. Trái lại, trang phục của quần vợt nam thay đổi khá ít, với kiểu dáng quần short và áo polo mỏng nhẹ hoặc áo sơ mi tay ngắn từ những thập kỷ trước vẫn giữ được sức ảnh hưởng trên sân đấu.

“Thế nhưng chiều dài quần short nam đã ngắn lên đáng kể trong vòng 12 tháng qua, đặc biệt là những tay vợt còn cố tình kéo quần cao lên rất nhiều”, ông nói.

“Có lẽ một ngày nào đó sẽ xuất hiện thêm những quy tắc hạn chế điều này nếu các tay vợt bắt đầu “hở bạo” hơn”.

Theo CNN
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
(Ngày Nay) - Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp công bố Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”.
Tại Nhật Bản, ước tính hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp cả nước.
Nhật Bản: Tương lai bấp bênh của các làng nghề truyền thống
(Ngày Nay) - Nhật Bản hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng nhiều làng nghề truyền thống của xứ sở mặt trời mọc sẽ vĩnh viễn bị “xoá sổ”.