Theo đơn khiếu nại của một số quỹ hưu trí và quỹ đầu tư sở hữu cổ phiếu Meta, ban lãnh đạo và hội đồng quản trị đã không bảo vệ được lợi ích của công ty và các cổ đông bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước các "bằng chứng có hệ thống" về hoạt động tội phạm.
"Do hội đồng quản trị không giải thích được cách họ cố gắng giải quyết tận gốc vấn đề, suy luận hợp lý duy nhất là hội đồng quản trị đã quyết định cho phép các nền tảng của Meta quảng bá và tạo điều kiện cho nạn buôn người/tình dục", đơn khiếu nại cho biết.
Về phần mình, Meta đã bác bỏ quan điểm trên. Đại diện của công ty khẳng định: "Chúng tôi nghiêm cấm bóc lột con người và bóc lột tình dục trẻ em. Các tuyên bố trong vụ kiện này làm sai lệch nỗ lực của chúng tôi trong việc chống lại loại hoạt động này. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn những người tìm cách lợi dụng người khác sử dụng nền tảng của chúng tôi".
Ông Mark Zuckerberg, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Meta, phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào năm 2019 rằng bóc lột trẻ em là "một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất" mà Meta đang xử lý.
Meta từ lâu đã phải đối mặt với cáo buộc rằng nền tảng của họ là "nơi trú ẩn" cho các hành vi sai trái về tình dục.
Vào tháng 6 năm 2021, Tòa án Tối cao bang Texas (Mỹ) đã cho phép ba người, vốn là nạn nhân bị lạm dụng trên Facebook, kiện công ty Meta và khẳng định Facebook không phải là "vùng đất vô pháp luật" có thể miễn trừ trách nhiệm đối với nạn buôn người.
Riêng Meta cũng phải đối mặt với hàng trăm vụ kiện từ các gia đình có con ở độ tuổi thanh thiếu niên và trẻ nhỏ, những người cho rằng con em họ bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần do nghiện Facebook và Instagram.
Vụ kiện mới nhất là một vụ kiện phái sinh, trong đó các cổ đông kiện các lãnh đạo Meta với cáo buộc vi phạm nghĩa vụ của họ.