Mặt tối của đời sống học đường Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chính phủ Hàn Quốc liên tục khẳng định sẽ chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường, trong khi các chuyên gia giáo dục và tâm lý cho rằng các phương pháp bắt nạt ngày càng trở nên độc hại hơn.
Mặt tối của đời sống học đường Hàn Quốc

Hình ảnh một nữ sinh cầm máy uốn tóc ép sát vào da thịt bạn học đã làm người xem loạt phim truyền hình "The Glory" của Hàn Quốc cảm thấy ớn lạnh.

Dù nhận được lời khen trên toàn cầu cho khán giả thấy được mặt tối của đời sống học đường Hàn Quốc, thế nhưng có không ít người vẫn chỉ trích bộ phim đã làm lan tỏa những cảnh tượng bạo lực.

Đội ngũ biên kịch cho biết có không ít sự kiện, cảnh bạo hành được đưa vào phim được lấy cảm hứng từ những câu chuyện ngoài đời thực, kể cả việc sử dụng máy uốn tóc, nhằm mục đích kêu gọi làn sóng chống lại vấn nạn bạo hành giữa các học sinh.

Số liệu mới nhất của chính phủ Hàn Quốc cho thấy các vụ bạo lực và bắt nạt học đường đã gia tăng trong thập kỷ qua. Vào tháng 2, Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ chấm dứt bạo lực học đường và chính phủ đã có những động thái nhằm đảm bảo hồ sơ của những học sinh từng bạo hành bạn bè sẽ được lưu ý khi xét tuyển đại học.

Tuy nhiên, các hiệp hội giáo viên lập luận rằng những nỗ lực này vẫn chưa đủ và cần chú trọng hơn vào việc ngăn chặn mầm mống bạo lực trong đầu trẻ nhỏ.

Bà Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng các trường hợp bạo lực học đường và bắt nạt ở Hàn Quốc phản ánh động lực của xã hội tập thể, nơi mà áp lực từ bạn bè đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi.

“Chúng ta có thể thành lập một nhóm và hành hạ những người khác. Các nạn nhân có thể bị tẩy chay bởi cả lớp hoặc thậm chí cả trường. Việc bắt nạt dẫn đến tổn hại dai dẳng và lặp đi lặp lại theo thời gian, thường là về mặt tâm lý hoặc tình cảm", giáo sư Kwak chỉ ra.

Bà cho biết bắt nạt và bạo lực học đường luôn tồn tại ở Hàn Quốc, nhưng các phương pháp được sử dụng ngày càng tinh vi và độc hại hơn, lấy cảm hứng từ các cảnh phim và sử dụng mạng xã hội làm công cụ chia sẻ.

Lee Sang-woo, một giáo viên tiểu học và là giám đốc của Hiệp hội Giáo viên và Công nhân Giáo dục Hàn Quốc (KTU), nói rằng bạo lực và bắt nạt học đường có thể làm giảm đáng kể lòng tự trọng của học sinh, dẫn đến sự cô lập với xã hội và gia tăng mức độ trầm cảm và lo lắng.

“Các nạn nhân thường tin rằng họ không thể giải quyết vấn đề, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Nó có thể dẫn đến sự sa sút trong học tập và sợ đi học trong thời gian dài, thậm chí là bỏ học”, ông Lee nói.

Trong những trường hợp cực đoan, một số quay sang tự kết liễu đời mình. Một nghiên cứu gần đây về các sinh viên đại học từng trải qua bạo lực học đường cho thấy hơn một nửa đã nghĩ đến việc tự tử.

Giáo sư Kwak cho biết môi trường cạnh tranh và áp lực cao mà nhiều học sinh ở Hàn Quốc phải đối mặt có thể làm trầm trọng thêm vấn nạn bắt nạt.

Học sinh Hàn Quốc phải chịu áp lực học tập căng thẳng trong nhiều giờ, nhất là trước thềm kỳ thi tuyển sinh đại học. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh cao, có thứ bậc và đơn điệu, không có các hoạt động thể chất để tiêu hao năng lượng, dẫn đến việc một số cá nhân bắt nạt những người khác “như một thú vui giải trí”.

Việc đứng lên chống lại bạo lực học đường có thể khó khăn, nhưng với những người dám ra mặt, cuộc đấu tranh có thể kéo dài. Số vụ tranh chấp pháp lý liên quan đến bạo lực học đường đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua.

Một tranh cãi gần đây liên quan đến luật sư Chung Sun-sin và vụ bê bối liên quan tới con trai ông đã thu hút sự chú ý rộng rãi tại Hàn Quốc. Con trai của luật sư Chung bị buộc tội chửi mắng một bạn học và bị buộc phải chuyển trường.

Sau khi có thông tin cho rằng ông Chung đã lợi dụng vị trí công tố viên cao cấp và chuyên gia pháp lý để cố gắng đảo ngược hình thức kỷ luật đối với con trai mình, việc bổ nhiệm ông làm Giám đốc Văn phòng Điều tra Quốc gia đã bị rút lại.

Vụ bê bối của ông Chung Sun-sin không phải là một sự việc cá biệt, mà là một phần của mặt tối xã hội Hàn Quốc.

Những người tố cáo, thường ẩn danh, vạch trần hành vi bắt nạt của những kẻ bị cáo buộc lạm dụng họ, đặc biệt khi những cá nhân đó là người nổi tiếng hoặc có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Mới đây, một nữ tân binh K-pop Kim Ga-ram của nhóm nhạc Le Sserafim đã bị chấm dứt hợp đồng, sau khi các cáo buộc bắt nạt học đường xuất hiện trên mạng.

Thậm chí đạo diễn Ahn Gil-ho của loạt phim "The Glory" cũng bị vướng vào một bê bối tương tự sau khi vấp phải những cáo buộc nặc danh về việc từng hành hung bạn học. Sau đó, đạo diễn Ahn đã phải lên tiếng xin lỗi.

Là một phần trong các động thái nhằm dập tắt bạo lực học đường, các nhà lập pháp Hàn Quốc đang xem xét sửa đổi các điều luật để đảm bảo giải quyết nhanh chóng các vụ bắt nạt học đường.

Các tổ chức giáo viên hầu hết đều hoan nghênh những nỗ lực của chính phủ, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để khôi phục mối quan hệ giữa các học sinh.

Trong một tuyên bố, Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc khẳng định tầm quan trọng của các giải pháp giáo dục so với các biện pháp trừng phạt, bao gồm việc thành lập các tổ chức chuyên biệt dành cho thủ phạm bắt nạt và giáo dục cho cha mẹ của các em.

Liên đoàn các Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc kêu gọi bồi thường cho các giáo viên xử lý các vụ bạo lực học đường và có cách tiếp cận tinh tế hơn tùy theo tình hình của từng trường.

Giáo sư Kwak từ Đại học Quốc gia Seoul nói rằng nạn nhân và thủ phạm phải được hỗ trợ như nhau để giải quyết vấn đề.

“Các nạn nhân cần được tư vấn và hỗ trợ để vượt qua chấn thương tâm lý. Thủ phạm cần phải chịu trách nhiệm về hành động của mình nhưng cũng cần có cơ hội để thay đổi. Nếu chúng ta xem nhẹ việc này, các em sẽ tiếp tục làm hại người khác khi trưởng thành", bà Kwak chỉ ra.

Theo The Guardian
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
Dùng AI để dự đoán chính xác hơn nguồn gốc các khối u
(Ngày Nay) - Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã thiết kế một công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dự đoán nguồn gốc của các khối u khó xác định với độ chính xác ngang bằng hoặc thậm chí vượt qua khả năng phán đoán của các nhà bệnh lý học.
Lên Tinder để tìm việc
Lên Tinder để tìm việc
(Ngày Nay) - Đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và sự cạnh tranh khốc liệt, một bộ phận giới trẻ tại Trung Quốc đang sử dụng Tinder và các ứng dụng hẹn hò khác như một công cụ tìm kiếm cơ hội việc làm.
Những điều cần biết về Met Gala 2024
Những điều cần biết về Met Gala 2024
(Ngày Nay) - Trong vòng ba tuần nữa, các nhà thiết kế cùng những "nàng thơ" thời trang, giới mộ điệu và người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới sẽ quy tụ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cho đêm hội thời trang có quy mô lớn bậc nhất: Met Gala.
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
Tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng trợ lý ảo phát triển
(Ngày Nay) - Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tiến trình nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung tại Việt Nam đã và đang tiến hành tích cực.
Khai quật, khảo cổ học hệ thống nền móng điện Cần Chánh trong Đại Nội Huế.
Thừa Thiên-Huế: Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
(Ngày Nay) - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Điện Cần Chánh đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Sau khi hoàn thành các thủ tục, dự kiến dự án sẽ được khởi công trong quý IV năm 2024.
Ban tổ chức tặng sách cho các thư viện công cộng, thư viện trường học, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng; các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ngày Sách Việt Nam: Khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ
(Ngày Nay) - Ngày 19/4, tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh phối hợp với Đại học Huế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế và phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.