Tới thăm Hợp tác xã Vụn Art (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) dịp cuối năm, nhiều du khách sẽ vẫn bắt gặp cảnh các thợ thủ công khuyết tật tất bật làm việc. Dù vậy, ông Lê Việt Cường cho biết chưa khi nào chứng kiến số lượng đơn hàng trước Tết sụt giảm như năm 2023. “Thậm chí còn thấp hơn cả trong thời kỳ COVID-19”, ông Cường nhấn mạnh.
Quân (giữa), một người tự kỷ, được giao việc cắt dán mẫu đồ chơi tranh ghép bằng vải. Ảnh: Mạnh Cường |
Chịu tác động của đà suy thoái kinh tế giống như nhiều doanh nghiệp khác, nhưng Vụn Art vẫn cố gắng xoay sở để tìm kiếm nguồn đơn hàng nhỏ lẻ. Các khoản lợi nhuận tích lũy được từ những đơn hàng trong năm đã phải trích ra để duy trì việc trả lương cho hơn 37 lao động.
Vừa đảm bảo chế độ cho nhân viên, Vụn Art vừa nhận thêm 12 người mới để đào tạo dạy nghề. Nhưng ông Cường cho biết, lo nhất là khi Tết sắp tới, cần phải có thêm nhiều đơn hàng để đảm bảo các khoản lương, thưởng cho người lao động dịp cuối năm.
Người lao động tất bật làm việc tại một trong bốn “phân xưởng” chính của Vụn Art. Ảnh: Mạnh Cường |
Vụn Art nỗ lực đồng hành với sứ mệnh tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng khuyết tật bằng nghề thủ công. Từ những mảnh vải vụn xin lại từ các xưởng may tại làng lụa Vạn Phúc, những thợ thủ công với đôi tay khéo léo của Vụn đã tạo ra vô vàn sản phẩm có độ thẩm mỹ và sáng tạo rất cao.
Đặc biệt, Vụn Art luôn chú trọng chuyển thể các hình tượng dân gian vào sản phẩm theo nguyên tắc trung thành với nguyên bản, nhưng vẫn có những thể nghiệm độc đáo, tạo ra giá trị thẩm mỹ phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thế hệ mới.
Tại Vụn Art, những người đi trước sẽ phụ trách đào tạo những người tới sau. Ảnh: Mạnh Cường |
Quảng, một người Điếc, là một trong những học viên đầu tiên của Vụn Art. Ảnh: Mạnh Cường |
Sản phẩm Tết năm nay của Vụn Art hướng tới hình tượng con rồng. Ảnh: Mạnh Cường |
“Năm nay, Vụn hướng tới việc cá nhân hóa các sản phẩm lấy cảm hứng mỹ thuật dân gian. Ngoài túi xách, tranh, chúng tôi sản xuất thêm các mẫu áo phông độc đáo mang chủ đề Rồng, hay các mẫu đồ chơi như tranh ghép, bàn cờ cá ngựa bằng vải”, ông Cường nói.
Ngoài sản xuất, Vụn Art luôn mở cửa chào đón các đoàn khách trong nước và quốc tế tới tham quan và trải nghiệm trực tiếp công việc ghép tranh từ vải vụn. Trong năm 2024, Vụn Art dự định mở rộng mặt bằng để tạo ra mô hình nhà xưởng kết hợp với một quán cà phê trưng bày các sản phẩm. Đáng lưu ý, nhiệm vụ vận hành mô hình mới này vẫn sẽ do các lao động khuyết tật đảm nhận.
Bàn cờ cá ngựa bằng vải, một sản phẩm độc đáo của Vụn Art. Ảnh: Mạnh Cường |
Các sản phẩm của Vụn Art luôn được đảm bảo tính thẩm mỹ và sáng tạo. Ảnh: Mạnh Cường |
Nhìn lại hành trình hơn 6 năm qua, ông Cường cho biết Vụn Art tồn tại được là nhờ lòng tốt trong xã hội còn rất nhiều. “Trong chuyến đi tham quan và khảo sát tại Singapore vừa qua, thông điệp tôi chia sẻ với các bạn bè quốc tế đó là: Vụn vẫn tồn tại và là điểm tựa tinh thần cho các bạn khuyết tật, bất chấp hàng loạt thách thức. Lòng tốt trong xã hội vẫn còn nhiều và chúng tôi cũng sẽ cam kết đồng hành với sứ mệnh của mình".