Theo ông Lê Việt Cường - người sáng lập Vụn Art, nhóm sinh viên có hành vi ăn cắp ý tưởng kinh doanh là Zero to Art (Z2A) với đại diện là N.T.P. (sinh viên một trường đại học tại TP HCM).
Cụ thể, lần đầu ông Cường gặp P. vào tháng 4 năm 2021, khi P. được giới thiệu vào nhóm cùng Vụn Art tranh giải trong một cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu dành cho sinh viên mang tên Social Business Creation (SBC). Sau một thời gian làm việc, cả nhóm quyết định loại P. với lý do người này có thái độ làm việc thiếu nhiệt tình.
Đến tháng 6 năm 2021, P. bất ngờ liên hệ lại với ông Cường và đặt vấn đề giúp đỡ Vụn Art mở rộng thị trường ở phía Nam, cũng như yêu cầu phía Vụn Art gửi 16 sản phẩm vào với mục đích đi chào hàng, kèm với các thông tin về quy trình sản xuất, lựa chọn chất liệu, công nghệ lắp ráp, cắt dán.
Tin nhắn P. gửi cho ông Cường về việc gửi 16 sản phẩm vào miền Nam để đi "chào hàng" với lời gợi ý không để thương hiệu Vụn Art vào các sản phẩm để đánh tráo nguồn gốc. |
“Kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp các dự án như Kym Việt hay Vụn Art, tôi luôn dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng, trong đó có các bạn sinh viên. Do đó tôi không hề nghi ngờ gì về động cơ của P. nên đã gửi thông tin cùng hàng vào Nam cho nhóm của P. mượn với mục đích nhờ chào hàng”, ông Cường trần tình.
Ngay sau sự việc này, P. cùng nhóm Z2A bắt đầu đem sản phẩm của Vụn Art đi tham dự các cuộc thi khởi nghiệp. Đáng chú ý, nhóm của P. đã sử dụng toàn bộ ý tưởng kinh doanh ghép tranh từ vải vụn bằng cách ăn cắp nội dung bài dự thi SBC của Vụn Art ngày trước bằng những tin nhắn có nội dung mập mờ với ông Cường và trực tiếp đến xưởng của Vụn Art để phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh nhân viên của xưởng.
Thậm chí, Z2A lấy cả những kế hoạch phát triển kinh doanh, dự định mua sắm máy móc, cải tiến quy trình mà Vụn Art trình bày trong dự án SBC để biến thành “ý tưởng phát triển” của mình.
Tới tháng 5 năm 2022, P. tiếp tục đặt hàng của Vụn Art với lý do đang tham dự cuộc thi "Khởi nghiệp I-Startup 2022" của Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông Cường từ đó xâu chuỗi lại các sự việc trong suốt hơn một năm qua và nhận ra sự bất ổn, bởi suốt thời gian P. nói đi chào hàng nhưng không báo cáo tiến triển, nhưng vẫn đặt thêm sản phẩm của Vụn Art, dù chưa hề thanh toán hoặc trả lại 16 sản phẩm đã mượn ban đầu.
Việc một sinh viên chưa tốt nghiệp đại học như P. lại có thể dễ dàng “qua mặt” hàng loạt ban tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp và đoạt giải chỉ bằng các thông tin cóp nhặt sơ sài từ Vụn Art. Các thông tin về Vụn Art được P. và nhóm Z2A tổng hợp từ nhiều tài liệu khác nhau từ các cuộc thi, do đó có lẫn cả tiếng Anh và tiếng Việt. |
“Khi tham dự các cuộc thi, P. nhận tất cả ý tưởng là của mình. Thành quả suốt 5 năm nỗ lực của chúng tôi, từ nghiên cứu công nghệ cho tới phát triển thị trường, lại bị P. nhận vơ. Bạn ấy còn lừa dối nhà trường rằng mình có một xưởng sản xuất vải vụn ở Bến Tre nên được nhà trường cấp tên thương hiệu Zero to Art (Z2A) để đi thi.”
Trong thời gian P. ra Hà Nội tham dự cuộc thi “Khởi nghiệp I-Startup 2022”, các nhân viên của Vụn Art phản ánh lại rằng P. và nhóm Z2A đã tới thăm xưởng để “xin” mẫu vải, cũng như quan sát quy trình sản xuất. Chỉ có chất keo dán, bí quyết để những mảnh vải vụn gắn kết với nhau là không bị lấy trộm.
P. còn xin danh sách các đối tác của Vụn Art (như Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Hoa Kỳ,..) rồi đưa vào dự án đi thi của nhóm Z2A. |
Sau khi đánh giá lại toàn bộ sự việc, phía Vụn Art đã gửi văn bản cảnh cáo và yêu cầu chấm dứt việc lạm dụng ý tưởng cũng như hình ảnh và sản phẩm của doanh nghiệp, nhưng phía Z2A vẫn tiếp tục đem sản phẩm của Vụn Art dự thi một giải thưởng đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của Sở Khoa học Công nghệ TP HCM.
Chỉ khi sự việc được ông Cường đăng tải trên trang Facebook cá nhân, P. mới gọi điện liên tục yêu cầu gỡ bỏ bài viết và cho rằng ông Cường có hành vi vu khống, hạ bệ đối phương. Sau đó nhóm của P. đã gửi văn bản nhận lỗi dùng hình ảnh và sản phẩm của Vụn Artđể tham dự các cuộc thi khởi nghiệp, chứ không thừa nhận ăn cắp ý tưởng kinh doanh.
Thư xin lỗi mà P. cùng nhóm Z2A gửi thư xin lỗi cho ông Cường. |
“Vì P. còn nhỏ tuổi, nên tôi không muốn đánh giá con người bạn ấy và cũng không muốn dùng hiệu ứng đám đông để tấn công một bạn trẻ. Nhưng tôi lên án hành vi ăn cắp chất xám có tổ chức. Chính P. đã có những hành vi đi ngược lại chính những lời bạn ấy từng nói: đó là giúp đỡ người khuyết tật. Tôi muốn qua sự việc này, các bạn trẻ hiểu được rằng nếu muốn giúp đỡ thì phải xuất phát từ cái tâm, thay vì trục lợi cho bản thân”, ông Cường khẳng định.
Khác với nhiều sáng kiến nghề nghiệp dành cho người khuyết tật, Vụn Art là mô hình đào tạo nghề cho những người tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ. Các sản phẩm mà Vụn Art tạo ra mang hàm lượng sáng tạo cao nhưng cũng rất dễ làm, phù hợp với khả năng của người lao động khuyết tật. Sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh, Vụn Art vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng giá cả leo thang. |
Theo ông Cường, những hành vi sai trái của P. sẽ để lại hệ lụy rất lớn. Chính các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo sẽ bị ảnh hưởng tới danh tiếng và thương hiệu nếu không làm chặt khâu thẩm định thông tin. Thứ nữa là các nhà đầu tư và doanh nghiệp mất tiền. Thiệt hại lớn nhất đó chính là lòng tin của Vụn Art và cộng đồng người khuyết tật đối với các bạn trẻ.
Theo người sáng lập Vụn Art, đây là một bài học chua xót nhưng cần thiết để hoàn thiện quá trình hợp tác trong tương lai. Vụ việc cũng chỉ ra những lỗ hổng chính sách khi quyền lợi của người khuyết tật không được bảo đảm và dễ dàng bị các đối tượng xâm phạm một cách có chủ đích với mục đích trục lợi cá nhân.
“Đối với tôi, niềm tin rất quan trọng, bởi Vụn Art sống bằng niềm tin, niềm tin vào lòng tốt từ cộng đồng và sự tôn trọng dành cho công sức lao động của người khuyết tật. Cá nhân tôi luôn sống với niềm tin rằng xã hội vẫn có rất nhiều người tử tế và chính quyền sẽ tiếp tục ủng hộ nếu chúng tôi lao động một cách minh bạch”, ông Cường nói.