Thông tin từ báo Công an nhân dân cho biết, cách đây 2 tuần, cụ ông Lê Văn B được chuyển từ BV đa khoa tỉnh lên cấp cứu tại BV Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, thở yếu, không còn nhận biết được người xung quanh và nhịp tim rất chậm, khoảng 20-30 lần/phút.
Tại khoa cấp cứu, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh của cụ: Rối loạn tri giác do nhịp chậm – Blốc nhĩ thất độ III – Viêm phổi – Phì đại lành tính tiền liệt tuyến.
Xác định đây là tình huống nguy kịch, các bác sĩ Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân. Cụ ông dần hồi tỉnh và tiếp tục được điều trị hỗ trợ kháng sinh, dinh dưỡng, nâng đỡ sức khỏe.
Cụ ông hồi phục sức khỏe sau 2 lần đặt máy tạo nhịp tim |
Sau khi hoàn thành liệu trình điều trị viêm phổi và phục hồi sức khỏe, cụ ông được phẫu thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn. Tĩnh mạch dị dạng ở người rất cao tuổi gây khó khăn cho quá trình tiếp cận mạch máu. Các bác sĩ đã nỗ lực đưa dây điện cực vào tim của bệnh nhân, kiên nhẫn hoàn tất quy trình cấy máu.
Gia đình lúc đầu sợ cụ ông lớn tuổi không chịu được cuộc mổ, sau đó được bác sĩ tư vấn đã đồng ý với giải pháp đặt máy tạo nhịp tim. Sau mổ, chứng kiến cụ ông khỏe mạnh, minh mẫn xuất viện, người nhà mừng rỡ cảm ơn các bác sĩ, Vnexpress.net đưa tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Trưởng Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, đặt máy tạo nhịp ở người cao tuổi có nhiều nguy cơ vì bệnh nhân thường có nhiều bệnh kèm theo như suy tim, viêm phổi, suy thận, tăng huyết áp... Đường đi của mạch máu thường bị thay đổi và khi đặt máy rất dễ bị thủng tim, đòi hỏi bác sĩ phải nhiều kinh nghiệm. Nếu không đặt máy tạo nhịp thì bệnh nhân có thể bị đột quỵ, ngưng tim, tử vong.
Tổng hợp