Trẻ có mẹ mắc viêm gan B vẫn có thể bú sữa mẹ, nếu trong vòng 12 giờ đầu trẻ chào đời được tiêm một mũi huyết thanh kháng viêm gan B (Ig-Anti B). Sau đó, trẻ được tiêm 3 mũi vaccine viêm gan B theo quy định của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. 24 giờ kể từ lúc tiêm huyết thanh, hệ miễn dịch của trẻ đã có kháng thể, trẻ bú mẹ an toàn.
"Các mũi tiêm trên sẽ bảo vệ 90% trẻ em có mẹ bị viêm gan B trước nguy cơ lây nhiễm sau sinh", bác sĩ Võ Hoàng Anh Tuấn, khoa Sản - Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khẳng định.
Bác sĩ Tuấn cho biết, virus viêm gan B tồn tại trong sữa mẹ, nhưng việc nhiễm chỉ có thẻ xảy ra khi núm vú mẹ bị chảy máu, tiết dịch, trầy xước và niêm mạc miệng, đường ruột của trẻ có tổn thương. Bà mẹ viêm gan B nuôi con bằng sữa mẹ không nên quá lo lắng. Mẹ giữ vệ sinh đầu vú sạch sẽ, tạm ngừng cho con bú nếu núm vú có tổn thương.
Ngoài ra, virus viêm gan B có thể lây dọc từ mẹ sang con ở giai đoạn mang thai và sinh nở. Thời kỳ mang thai, nhau thai có tác dụng ngăn cản virus tấn công em bé, rất ít trẻ bị lây nhiễm trong thai kỳ. Giai đoạn chuyển dạ và đẻ, tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, lên đến 50%. Virus có trong dịch tiết, máu người mẹ đi vào cơ thể trẻ qua các vết trầy xước.
Do đó, những bà mẹ đã viêm gan B, cần làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để kiểm tra virus có đang phát triển hay đang ở thể ẩn. Virus ẩn chỉ cần theo dõi thai nhi bình thường. Nếu virus đang phát triển sẽ làm thêm xét nghiệm xác định tải lượng virus trong máu. Từ tuần thai thứ 28 đến lúc sinh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus viêm gan B. Việc dự phòng chủ động cho mẹ, nhằm kiểm soát tải lượng virus về mức thấp nhất, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình trở dạ an toàn, không lây nhiễm cho con.
Sau khi bé cai sữa, người mẹ cần điều trị viêm gan siêu vi B, hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị viêm gan B từ 10-20% và tỷ lệ mẹ lây nhiễm cho con khoảng 5-10%. Trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm gan B có nguy cơ phát triển thành ung thư gan sớm, xơ gan.
Để phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con, bác sĩ khuyến cáo tất cả các thai phụ khám thai định kỳ và tầm soát viêm gan B sớm nhất có thể. Các mẹ không nhiễm bệnh vẫn có thể tiêm vaccine phòng ngừa mà không có tác dụng phụ cho cả mẹ và con.