Wim Van Neer của Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ, người công bố nghiên cứu trên tạp chí Khảo cổ học cho biết con người và loài mèo có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau.
Các nhà khoa học có thể khẳng định được điều trên là nhờ phát hiện một nhóm các bộ xương được chôn cất tại nghĩa trang ở Hierakonpolis (hay còn gọi là Nekhen), Ai Cập.
Những bộ xương có niên đại khoảng 3.700 năm. Đó là bộ xương của bảy con mèo rừng nhỏ, trong đó có một con mèo có chỗ xương gãy được chữa lành. Điều đó cho thấy con mèo này đã được chăm sóc trong vài tuần trước khi chết.
Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng mèo đã được thuần hóa cách đây 4.000 năm ở Ai Cập. Nhưng theo một bản nghiên cứu mới, những người nông dân Trung Quốc có thể là những người đầu tiên thuần hóa mèo để diệt loài gặm nhấm phá hoại.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những bộ xương mèo chỉ ra rằng loài mèo đã sống cùng con người lâu hơn nhiều so với những gì mà chúng ta đã biết trước đó. Những bộ xương được tìm thấy tại ngôi làng Quanhucun ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc cho thấy những con mèo nhà xuất hiện cách đây 5.300 năm.
Không giống như bò hay cừu, những loài được con người thuần hóa từ động vật hoang dã mà con người săn bắn; chó và mèo đi vào một mối quan hệ cùng có lợi với con người thông qua thực phẩm.
Quá trình này không hoàn toàn là cố ý, con người không đặt ra mục tiêu cố gắng để thuần hóa một con mèo hay một con chó và làm cho nó thành một con vật cưng, nhưng như một phản ứng dây chuyền qua nhiều giai đoạn và kết quả là chúng trở thành vật nuôi của chúng ta ngày nay.
Nghiên cứu DNA cho thấy rằng ước tính 600 triệu con mèo nhà trên thế giới ngày nay hầu hết là hậu duệ của loài mèo rừng phía Đông, mà hiện giờ chúng vẫn sống ở Bắc Phi và Trung Đông.
J.K