Một câu chuyện lương y!

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Không người thân bên cạnh, không tiền, không giấy tờ bảo hiểm, sinh mệnh của bệnh nhân đột quỵ não chỉ còn trông chờ vào quyết định của các y bác sĩ. Nếu phải đợi thân nhân, sẽ bỏ lỡ “thời gian vàng” cấp cứu đột quỵ. Không chờ được nữa, bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc Bệnh viện Quận 2 đã ngay lập tức ký vào giấy bảo lãnh. Dẫu cho, khi ký quyết định thực hiện các thủ thuật, là bệnh viện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi có bất trắc xảy ra.

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Quận 2 đang thăm hỏi bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch do đột quỵ não. Ảnh: Ngọc Giàu
Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Quận 2 đang thăm hỏi bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch do đột quỵ não. Ảnh: Ngọc Giàu

“Nếu sợ trách nhiệm có thể không kịp cứu một sinh mạng”

Nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, bà Nguyễn Thị Đáng (sinh năm 1962, quê Cù Lao Dung, Sóc Trăng) vẫn không thể tin được mình đã từng một chân bước vào “cửa tử”. Vào khoảng 11 giờ trưa, khi đang rửa chén thuê cho một nhà hàng ở quận 2, bà Đáng bị choáng, méo miệng rồi đột nhiên ngã quỵ. Người xung quanh liền đưa bà vào Bệnh viện quận 2 cấp cứu.

Bác sĩ Đinh Hoàng Phát, Đơn vị đột quỵ, Khoa nội tim mạch cho biết: “Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức. Ê - kíp chúng tôi nhận định, đây là trường hợp đột quỵ não cấp do thiếu máu não. Có một cục máu đông lớn đã di chuyển từ tim lên não bệnh nhân, gây tắc mạch máu não một nửa bán cầu. Nếu không can thiệp ngay, hoặc muộn hơn vài tiếng, bệnh nhân có thể tử vong vì phù não, thiếu máu não”.

Người dân thường lầm đột quỵ với trúng gió

Bác sĩ Lê Hồng Tuấn – Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Quận 2 khuyến cáo: “Khi có các triệu chứng như bỗng nhiên bị tê yếu nửa người, méo miệng, nói ú ớ không thành tiếng, đột ngột mất ý thức, liệt nửa mặt… Đó là dấu hiệu của chứng đột quỵ thiếu máu não, cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Người dân thường nhầm lẫn đột quỵ với trúng gió, không cấp cứu nạn nhân kịp thời dễ gây tử vong, sống thực vật, hay liệt nửa người”.

Các bác sĩ đưa ra phương án dùng thuốc tiêu sợi huyết, làm tan cục máu đông để tái thông mạch máu não. Bác sĩ Lê Hồng Tuấn – Trưởng khoa Nội tim mạch chia sẻ: “Để dùng thuốc tiêu sợi huyết cần phải có sự đồng ý của thân nhân bệnh nhân. Vì sẽ có 5 – 6% nguy cơ xuất huyết não, chảy máu nội tạng có thể dẫn đến tử vong. Và giá thuốc cũng khá đắt, khoảng 20 triệu đồng một liều”.

180 phút là “thời gian vàng” để cấp cứu đột quỵ, nếu thực hiện các thủ thuật trong thời gian này, khả năng được sống của bệnh nhân lên đến 80%. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện ở giờ thứ 2 sau khi khởi phát. Xét thấy không còn thời gian chờ đợi, các y bác sĩ liền xin ý kiến của giám đốc bệnh viện. Bác sĩ Trần Văn Khanh – Giám đốc bệnh viện quận 2 đã ngay lập tức kí vào giấy bảo lãnh chuyên môn để các đồng nghiệp tiến hành thủ thuật.

Một câu chuyện lương y! ảnh 1

Bác sĩ Trần Văn Khanh. Ảnh: Ngọc Giàu

Nói về quyết định của mình, bác sĩ Trần Văn Khanh cười hiền: “Cũng không phải là lần đầu tiên bệnh viện gặp phải “bệnh nhân ba không” – không thân nhân, không tiền, không giấy tờ bảo hiểm. Việc ký giấy bảo lãnh sẽ tiềm ẩn nhiều rắc rối, nhưng lại càng không thể bỏ mặc một sinh mạng. Nếu vì do dự hay sợ trách nhiệm mà chuyển viện tuyến trên, có thể sẽ qua “thời gian vàng” và không kịp cứu bệnh nhân”.

Sau khi tiêm, bà Nguyễn Thị Đáng đáp ứng thuốc rất tốt, dần dần khôi phục ý thức. Đến hơn 8 giờ tối cùng ngày, anh Cao Văn Giang (sinh năm 1983), con ruột bà Đáng, mới kịp từ Sóc Trăng lên TP.HCM để chăm sóc cho mẹ.

Những quyết định của lương tri

Đến tận bây giờ, khi cơn nguy kịch của mẹ đã qua, anh Giang vẫn không khỏi nghẹn ngào: “Từ nhỏ đến lớn chỉ có một mẹ, một con sống nương tựa vào nhau ở đất Sài Gòn này. Em làm hồ, mẹ đi làm thuê. Ba năm trước hai mẹ con quyết định về quê, để con trai em có chỗ ăn học, cháu năm nay mới học lớp 2. Năm nay đói kém quá, mẹ nói để lên lại Sài Gòn xin vô nhà hàng rửa chén kiếm thêm tiền. Mẹ mới làm được hơn 2 tháng nay”. Bên cạnh giường bệnh, một giỏ quần áo cũ sờn, đơn bạc, người đàn ông đã chớm trung niên đỏ hoe mắt cảm ơn các y bác sĩ đã cứu sống mẹ mình.

Một câu chuyện lương y! ảnh 2

Anh Cao Văn Giang đã tức tốc từ Sóc Trăng lên Sài Gòn để chăm sóc mẹ. Ảnh: Ngọc Giàu

Thông thường, một ca bệnh đột quỵ não có thể tốn chi phí lên đến hơn 50 triệu đồng, mà vay mượn khắp nơi Giang cũng chỉ có thể cầm được 10 triệu tức tốc lên Sài Gòn. Bác sĩ Trần Văn Khanh vỗ vai động viên Giang. Rằng, các bác sĩ sẽ cố gắng hết sức để mẹ anh có thể hồi phục tốt nhất; rằng, Phòng công tác xã hội của bệnh viện sẽ tìm cách hỗ trợ một phần chi phí điều trị. Giang nghe vậy không kìm được rơi nước mắt.

Bác sĩ Trần Văn Khanh kể, đã theo nghề y thì những chuyện thương tâm không còn xa lạ nữa: “Năm nào bệnh viện cũng chi gần cả tỉ đồng cho bệnh nhân nghèo. Phần nhiều do mạnh thường quân các nơi hỗ trợ, phòng công tác xã hội đi vận động, có khi còn phải quyên góp từ các y bác sĩ tại bệnh viện để có thể giúp được bệnh nhân”.

Một câu chuyện lương y! ảnh 3

Các y bác sĩ trao quà của mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Ngọc Giàu

Việc ký giấy bảo lãnh cho “bệnh nhân ba không” đối với bác sĩ Khanh là chuyện thường xuyên liên tục. Nếu kết quả mỹ mãn thì mừng, còn khi trục trặc thì rắc rối cũng không nhỏ. Bác sĩ Khanh tâm sự: “Như năm ngoái, có bệnh nhân bị xe tải cán ngang bụng, bể gan, bể lá lách, không có thân nhân, tôi cũng ký bảo lãnh để cứu. Ê – kip bao nhiêu người gần như trắng đêm phẫu thuật, tốn hơn chục bịch máu, nhưng tai nạn nặng quá bệnh nhân không qua khỏi. Người nhà thấy hóa đơn thì liền trách, nếu tiên lượng xấu tại sao còn tự ý thực hiện phẫu thuật để chi phí quá cao. Họ không chịu chi trả, hoặc không trả nổi thì tôi và bệnh viện cũng phải gồng gánh, chứ biết làm sao”.

Nhưng bác sĩ Khanh cũng không vì những trường hợp cá biệt mà run tay trong việc ký bảo lãnh. Bởi sinh mệnh con người luôn là thứ quý giá nhất, và quyết định của lương tri lại thường cho quả ngọt. Vào năm 2019, một thanh niên từ Hạ Long vào Sài Gòn tìm việc. Mới chân ướt chân ráo, còn chưa có việc làm đã bị tai nạn giao thông, nội tạng tổn thương nghiêm trọng, được người đi đường đưa vào Bệnh viện quận 2. Cũng như bà Đáng, cậu thanh niên thoi thóp ở bờ vực sống chết mà không có thân nhân bên cạnh.

“Tôi ký bảo lãnh thực hiện phẫu thuật cho cậu thanh niên. Cậu này còn trẻ lắm, cũng cực lắm mới cứu được. Người nhà cậu ấy từ ngoài kia vào, cứ nói biết ơn các y bác sĩ cứu con họ. Có vậy thôi, cũng rất vui rồi”, bác sĩ Khanh cười nhẹ tênh.

Ngành y tế có 12 điều y đức, kể ra thì dài nhưng cũng có thể chỉ đơn giản như bác sĩ Khanh đã nói: “Cứ cứu bệnh nhân trước đã, sau đó mọi chuyện đều tính sau”.

Mọi đóng góp của quý độc giả hảo tâm cho quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Quận 2, vui lòng liên hệ Phòng công tác xã hội của bệnh viện.

SĐT: 028 54327888

Địa chỉ: 130 Lê Văn Thịnh, P.Bình Trưng Tây Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.