Một đất nước của những người tốt bụng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Tại sao bạn lại giúp tôi?! - Hải không thể quên những giọt nước mắt, khuôn mặt thất thần và câu hỏi của hai nữ du khách đêm đó. Và anh an ủi họ rằng: “ Hầu hết người Việt Nam chúng tôi đều là người tốt, việc này với bạn chỉ là một rủi ro hiếm gặp thôi”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là rạng sáng ngày 5/5/2022, Hoàng Hải cùng với một vài người bạn ăn đêm trên phố cổ Hà Nội thì nghe tiếng la hét thất thanh, tiếng khóc của hai cô gái trẻ người nước ngoài. Anh nhanh chóng tiếp cận. Sau 15-20 phút trấn an, hai cô gái Nga cho biết vừa đến Việt Nam 2 ngày trước. Rạng sáng 5/5, họ gọi taxi, do điện thoại gần hết pin nên đã nhờ tài xế cắm sạc, rồi đi đổi tiền Việt.

Khi du khách vừa quay lưng, taxi phóng vụt đi với hai chiếc điện thoại vẫn còn đang sạc, hai cô gái trẻ hoảng loạn và sốc. Hải cùng những người khác trấn an hai cô gái và sau đó hỗ trợ đưa về một khách sạn trên phố Kim Mã nhờ nhân viên khách sạn trình báo công an.

Buổi sáng hôm sau, khi câu chuyện được bạn Thảo Nutri đưa lên mạng xã hội, cư dân mạng đã nhiệt thành trở thành những thám tử tự nguyện truy tìm điện thoại lại cho hai cô gái.

Câu chuyện đã có một cái kết đẹp: Ngay chiều 5/5, Lutshenkho Zhanna và Kushnir Viktoriia, tên hai cô gái người Nga, đã được mời đến công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để nhận lại điện thoại của mình.

“Chúng tôi không may gặp người xấu, nhưng những gì xảy ra ngay sau đó cho chúng tôi biết, đây thật sự là một đất nước của những người tốt bụng", lời của Zhann.

“Cảnh sát làm việc rất tốt và chúng tôi muốn cảm ơn họ rất nhiều”, Viktoriia bày tỏ.

Trong các cuộc khảo sát của các tạp chí du lịch danh tiếng, Việt Nam luôn lọt top những điểm đến an toàn nhất thế giới. Và một trong những ưu điểm được đánh giá cao làm nên hai chữ “an toàn” chính là sự thân thiện của người dân.

Trong câu chuyện hai nữ du khách có sự tận tuỵ của lực lượng công an, nhưng cuộc truy tìm với tốc độ nhanh chóng khiến chính hai cô gái Nga thừa nhận: “cảm thấy bất ngờ”.

Công an luôn là lực lượng giải quyết những sự cố đối với du khách nước ngoài. Nhưng sự tận tuỵ đó không thuần tuý chỉ là trách nhiệm từ “nhà chức trách” mà ẩn chứa trong đó còn sự nhiệt tâm, là danh dự của những “người chủ nhà” với “khách” của mình. Trong câu chuyện ấy có tinh thần “giữa đường thấy sự bất bình” rất Lục Vân Tiên từ những người dân bình thường nhất.

Hải vẫn nhớ như in những giọt nước mắt và câu hỏi liên tục lặp đi lặp lại của hai cô gái Nga đêm đó: “Tại sao bạn lại giúp tôi?!”, “Tại sao lại giúp chúng tôi?!”. Hải khi đó đã động viên họ rằng: "Hầu hết người Việt Nam chúng tôi đều là người tốt, việc này với bạn chỉ là một rủi ro hiếm gặp thôi. Chúng sẽ cố gắng hết sức để giúp bạn ...".

Sẽ không quá lời khi nói rằng bất cứ người Việt nào cũng sẽ hành động như Hải: Giúp đỡ người khác với sự tận tâm, vô tư. Thật ra, chính những người dân bình thường nhất như anh đang là một đại sứ du lịch đại diện cho sự thân thiện, gìn giữ hình ảnh an toàn của đất nước - dù Hải có thể chưa bao giờ nghĩ về điều đó.

Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).