Viêm tủy vì răng sứ
Chị Nguyễn Thị Hòa trú tại Xa La, Hà Đông “chết dở” vì hàm răng sứ vừa bọc được 1 năm. Chị Hoa tâm sự răng chị không được trắng, chị đã mong ước có hàm răng trắng, nụ cười tươi từ rất lâu.
Người ta nói cái răng, cái tóc là góc con người nên chị quyết tâm đầu tư “xây lại” góc con người bằng việc bọc 20 răng sứ hết ngót 200 triệu đồng. Bọc răng sứ, chị Hòa kể không chỉ tốn kém mà còn vượt qua cả nỗi đau. Chị nghĩ không có gì không phải đánh đổi cả nên quyết tâm thực hiện.
Những ngày đầu có hàm răng mới khiến chị tự tin hơn, chị cười nhiều hơn. Ai gặp cũng khen chị trẻ ra nên chị Hòa vui lắm. Tuy nhiên, chỉ được 5,6 tháng hàm răng bắt đầu dở chứng với những cơn đau ê buốt răng. Việc ăn uống khó khăn hơn.
Chị Hòa vào bệnh viện kiểm tra răng, bác sĩ xác định chị bị viêm tủy, phải gỡ 3 răng sứ ra để chữa tủy. Các bác sĩ cũng e ngại vì việc chữa tủy ở người bọc răng sứ rất khó mà răng của chị không chỉ có dấu hiệu dừng lại ở ba răng có khả năng sẽ phải xử lý thêm. Chị Hòa mệt mỏi và cảm thấy hối hận vì quyết định đập mài răng cũ đi để bọc răng sứ.
Không chỉ riêng chị Hòa, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Hà – Phó giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Trưởng khoa điều trị Nội nha, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương cho biết ông gặp nhiều trường hợp biến chứng do làm răng sứ.
Bác sĩ Hà cho biết hiện nay nhiều trung tâm nha khoa thẩm mỹ đang quảng cáo răng sứ quá đà và thổi giá trên trời của răng sứ khiến nhiều người không ngần ngại chi tiền để làm răng sứ. Bác sĩ Hà cho biết có những nơi quảng cáo răng sứ lên tới 20 triệu đồng/chiếc điều này là không đúng vì thực tế giá trị răng sứ không đắt như thế.
Cũng theo bác sĩ Hà răng sứ thẩm mỹ chỉ nên áp dụng cho những người có hàm răng xỉn máu do nhiễm tetaxilin và răng xấu thực sự. Trước khi làm răng sứ bác sĩ cần thử các biện pháp tẩy trắng khác nếu không được mới chỉ định làm răng sứ cho người bệnh để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Còn những người bình thường nếu không có nhu cầu về công việc thì nên cân nhắc trước khi làm răng thẩm mỹ.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Hà cho biết khi làm răng sứ, có nhiều biến chứng rình rập người làm trong đó nổi bật là 3 biến chứng dưới đây:
Thứ nhất nguy hiểm từ viêm tủy răng, bác sĩ Hà nhấn mạnh khi bọc răng sứ sự tồn tại của tuỷ răng sẽ bị ảnh hưởng.
Trên nguyên tắc khi bọc răng sứ thì bác sĩ vẫn phải giữ tuỷ răng. Tuy nhiên một số trường hợp họ muốn thay đổi vị trí răng nên phải lấy tuỷ răng. Nhưng để bọc tuỷ răng đó phải mài lớp răng tự nhiên đi và răng mất lớp bảo vệ bên ngoài nên trường hợp răng nhạy cảm lớn phải điều trị.
Tâm lý của đa số bác sĩ khi mài răng là họ muốn mái thật nhiều răng gốc để có thể đặt được răng sứ đẹp hơn điều này cũng ảnh hưởng tới khoảng sinh học trong răng.
Khi tuỷ răng bị ảnh hưởng có thể gây viêm, chết tủy. Người bệnh may mắn thì phát hiện tuỷ răng sớm. Trường hợp không may mắn răng chết tuỷ không biết thì tổn thương còn trầm trọng nhiều gây viêm xương hàm do gián tiếp từ việc bọc răng sứ gây viêm tuỷ và ảnh hưởng tới xương hàm. Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương đã gặp bệnh nhân phải phẫu thuật cắt một phần xương hàm vì biến chứng viêm tủy răng trước đó mà từ làm răng sứ gây ra.
TS Hà nhấn mạnh viêm tủy răng gây chết tủy và biến chứng vào xương hàm là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của làm răng sứ thẩm mỹ.
Thứ hai đó là biến chứng đến khớp cắn. Những bệnh nhân bọc răng sứ tình trạng khớp cắn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Ở người bình thường đôi khi khớp cắn có lệch lạc nhưng nó vẫn nằm ở vị trí cân bằng tự nhiên nếu làm can thiệp làm ảnh hưởng tới khớp cắn hai hàm răng nếu không tái thiết lập được cân bằng khớp cắn mới thì gây ảnh hưởng tới răng và khớp cắn.
Thứ ba là tình trạng ảnh hưởng tổ chức nha chu vì răng giữ lại sau khi mài và răng sứ mới có mối nối, khi mình giữ lại và bọc răng sứ thì nó vẫn có “lỗ hổng” là nơi thức ăn đọng lại, phân huỷ tạo vi khuẩn sản sinh ra axit và tạo ra các tổ chức viêm nha chu điều trị cũng khó hơn. Những người làm răng sứ thẩm mỹ thì lợi họ thường thâm hơn và dễ gây viêm hơn.
TS Hà cho biết, khi làm răng thẩm mỹ cần cân nhắc rất kỹ và hàm răng phải phù hợp với khuôn mặt mỗi người. Nếu làm răng sứ quá trắng, thậm chí trắng lóa sẽ dễ khiến người khác nhận biết ngay hàm răng đó là răng giả.
Trước khi đi làm thẩm mỹ răng, các bác sĩ khuyến cáo khách hàng nên cân nhắc giữa bảo tồn răng tự nhiên và răng sứ, nên làm gì tốt hơn, trong trường hợp răng bẩm sinh quá xấu, quá đen, cần phải làm răng sứ thì nên lựa chọn bước đầu tiên là nắn chỉnh hàm, sắp xếp để khớp cắn chuẩn chứ không làm răng sứ ngay khi răng đang trong tình trạng chen chúc, nếu không sẽ dễ bị viêm lợi và các biến chứng.
Theo Infonet