Người dân ở huyện Y Lan và thành phố Hổ Lâm thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) đã báo cáo nhiều lần bắt gặp hổ Siberia hoang dã gần các khu dân cư. Nhiều vụ gia súc bị giết hại trong mùa đông năm nay khiến nhiều nông dân lo ngại về sự xuất hiện bất ngờ của loài hổ.
Vào ngày 9/11, đài truyền hình CCTV đưa tin rằng một người dân ở huyện Y Lan đã kể lại một cuộc chạm trán với hổ trên núi và phát hiện ra một con bò bị vồ chết. Chân sau của con bò bị rách và tuyết gần đó để lộ dấu vết của một con hổ. Khi kiểm tra hiện trường, chính quyền địa phương và các chuyên gia động vật hoang dã đã xác minh con vật được đề cập là hổ Siberia.
Người ta cũng nhìn thấy hổ ở thành phố Hổ Lâm, cách Y Lan hơn 300 km. Sau đó, các quan chức thành phố đưa ra cảnh báo khẩn cấp khi phát hiện hổ xuất hiện gần khu dân cư. Sau một cuộc khảo sát toàn diện về khu vực, chính quyền đánh giá rằng có ít nhất hai con hổ hoang dã đang lang thang ở khu vực lân cận.
Chính quyền địa phương cảnh báo tất cả người dân và khách du lịch trong phạm vi thành phố Hổ Lâm "vui lòng không tham gia vào các hoạt động trên núi”. Người dân ở một số khu vực trọng điểm phải tích trữ nhu yếu phẩm và không ra ngoài trừ khi cần thiết.
Nằm dọc biên giới Nga-Trung, thành phố Hổ Lâm thường xuyên có hổ. Vào năm 2021, các nhân viên tuần tra biên giới đã tìm thấy dấu vết của hổ cái có khả năng theo hươu nai vào lãnh thổ Trung Quốc trước khi trở về Nga.
Ngược lại, người dân huyện Y Lan hiếm khi nhìn thấy hổ. “Việc tìm thấy dấu vết của hổ hoang dã là điều bình thường. Năm nay, tuyết rơi dày hơn đã dẫn tới tình trạng thiếu thức ăn. Đây là lý do tại sao chúng xuống núi để tìm kiếm thức ăn”, Fu Jianguo, thư ký của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã thành phố Đại Khánh, cho biết.
Tuần trước, tỉnh Hắc Long Giang ghi nhận trận bão tuyết nghiêm trọng nhất trong năm, nhiều chính quyền địa phương đưa ra cảnh báo bão tuyết ở mức cao nhất. Huyện Y Lan báo cáo lượng tuyết rơi vượt quá 40 mm, với độ sâu từ 30 đến 40 cm.
Zhang Minghai, giám đốc Trung tâm nghiên cứu mèo của Cục Quản lý Lâm nghiệp Trung Quốc, giải thích rằng việc thường xuyên nhìn thấy hổ phần lớn là do hành vi của chúng trong mùa giao phối, thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2.
Trong tháng 11, những con đực ít chiếm ưu thế hơn thường bị buộc phải mở rộng lãnh thổ để tìm kiếm bạn tình, dẫn đến việc nhiều cá thể hổ xuất hiện gần khu dân cư.
“Hổ hoang dã vẫn sợ con người. Chúng sẽ không chủ động tấn công con người trừ khi chúng nghĩ rằng con người đe dọa chúng”, ông Zhang nói.
Các nhà chức trách Trung Quốc ước tính nước này hiện có 50 cá thể hổ Siberia hoang dã, được liệt kê là động vật được bảo vệ cấp quốc gia, chủ yếu cư trú trong Công viên Quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc. Khu bảo tồn này trải dài hơn 14.000 km2 và cũng là nơi sinh sống của dân số hơn 90.000 người dân.
Để ngăn chặn xung đột giữa người và hổ, vườn quốc gia đã triển khai hệ thống giám sát thời gian thực toàn diện bằng cách sử dụng camera hồng ngoại để theo dõi chuyển động của động vật hoang dã. Nếu hổ tiếp cận khu vực có người ở, chính quyền sẽ cảnh báo người dân.