Lenta.ru cho biết một sự cố phóng xạ đã xảy ra ở châu Âu vào trung tuần tháng 1. Thông tin chi tiết về sự việc không được tiết lộ. Các nhà khoa học tại trạm nghiên cứu Svanhovd, bắc Na Uy đã phát hiện đồng vị phóng xạ Iodine-131(I-131) trong không khí.
Vài ngày sau, trạm nghiên cứu Rovaniemi, bắc Phần Lan ghi nhận sự xuất hiện của đồng vị I-131. Dấu vết của I-131 tiếp tục được phát hiện ở Ba Lan, Cộng hòa Czech, Đức, Pháp và Tây Ban Nha cho đến cuối tháng 1.
Đồng vị I-131 là sản phẩm của phản ứng phân hạch, nó có chu kỳ phân rã trong 8 ngày. Các nhà khoa học nhấn mạnh, lượng đồng vị I-131 phát hiện trong không khí không gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Họ cho rằng đây là biểu hiện cho một sự cố liên quan đến lò phản ứng hạt nhân, phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân hoặc đầu đạn hạt nhân.
Sự xuất hiện của đồng vị phóng xạ này buộc Mỹ phải điều động máy bay Boeing WC-135 Constant Phoenix, chuyên phát hiện vụ nổ hạt nhân đến hoạt động tại Anh để truy tìm nguồn phát ra phóng xạ. Máy bay WC-135 đến căn cứ không quân Mỹ ở Midenhall, Anh vào ngày 17/1.
Máy bay WC-135 được trang bị các máy móc tinh vi dùng để phát hiện dấu vết vụ thử hạt nhân. Máy bay này từng được điều động phân tích ảnh hưởng từ các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.
Những khu vực ghi nhận sự xuất hiện của đồng vị I-131 trong không khí (màu cam). Đồ họa: Lenta |
Nguồn gốc rò rỉ đồng vị I-131 đến nay vẫn chưa được xác nhận nhưng một số chuyên gia dự đoán là một nơi nào đó ở Đông Âu. Một số nhà phân tích nêu quan điểm của họ về tai nạn có thể xảy ra trên tàu ngầm hạt nhân Nga trong khu vực quần đảo Novaya Zemlya, nằm giữa biển Barents và Kara ở Bắc Băng Dương.
Họ lập luận rằng sự lây lan đồng vị I-131 tới châu Âu đặc trưng cho một tai nạn nghiêm trọng đối với lò phản ứng hạt nhân. Tuy vậy, các chuyên gia bác bỏ giả thuyết về vụ thử hạt nhân trong khu vực. Phía Nga không bình luận về thông tin trên.