Năm 2020, những người trẻ đã mạnh mẽ thể hiện sự quan điểm của mình tại các cuộc tuần hành Black Lives Matter vì người da màu. Trên đường phố, những người trẻ - chủ yếu là thanh thiếu niên độ tuổi hai mươi - đã cùng nhau kề vai, hô vang những khẩu hiệu chống lại sự bất công chủng tộc. Trên mạng xã hội, họ huy động sự tham gia, kêu gọi đồng nghiệp lên tiếng và đứng lên bảo vệ quyền bình đẳng của tất cả mọi người.
Nhiều ngôi sao trẻ trên thế giới cũng đã quyên góp cho phong trào Black Lives Matter như Miley Cyrus hay nhóm nhạc BTS. Bằng sức ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ đã làm phong trào chống phân biệt chủng tộc ngày càng sục sôi trong thanh niên.
Hoạt động tích cực của thanh niên càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những hạn chế đối với các cuộc tụ tập công khai ở nhiều quốc gia. Khi virus bắt đầu lây lan trên toàn cầu vào đầu năm 2020, một “đại dịch” song song đã bùng phát - đại dịch của sự thù hận, bạo lực và nỗi sợ hãi đối với một số dân tộc và quốc gia. Rõ ràng là những bất bình đẳng xã hội, đôi khi bắt nguồn từ phân biệt chủng tộc, đã khiến các nhóm thiểu số có nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn đáng kể.
Ngày Quốc tế xóa bỏ phân biệt chủng tộc được tổ chức hàng năm vào ngày 21/3, ngày cảnh sát ở Sharpeville, Nam Phi, nổ súng và giết 69 người tại một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại một dự luật phân biệt chủng tộc trong năm 1960.
Năm 1979, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết tổ chức một tuần lễ đoàn kết với các dân tộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và kỳ thị chủng tộc, bắt đầu từ ngày 21/3 hàng năm ở tất cả các quốc gia.
Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã bị phá bỏ. Các luật và thực tiễn về phân biệt chủng tộc đã bị bãi bỏ ở nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế đã xây dựng một khuôn khổ quốc tế để chống phân biệt chủng tộc, được hướng dẫn bởi Công ước quốc tế về Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc. Công ước hiện đã gần được phê chuẩn trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên, ở tất cả các khu vực, còn nhiều cá nhân, cộng đồng và xã hội vẫn phải chịu đựng sự bất công và kỳ thị do phân biệt chủng tộc.
Các sự kiện lớn của Liên hợp quốc
Vào tháng 9 năm 2021, Đại hội đồng LHQ sẽ mời các nhà lãnh đạo thế giới tham dự một cuộc họp một ngày tại New York để đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày thông qua Tuyên bố Durban và Chương trình hành động với chủ đề “Bồi thường, công bằng chủng tộc và bình đẳng cho Người gốc Phi”.
Năm 2001, Hội nghị Thế giới chống Phân biệt chủng tộc đã đưa ra một chương trình toàn diện nhằm chống lại phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và các hành động không khoan dung liên quan mang tên Tuyên bố Durban và Chương trình Hành động. Vào tháng 4/2009, Hội nghị Durban đã xem xét những tiến bộ toàn cầu đạt được trong việc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc và kết luận rằng còn nhiều điều cần khắc phục. Thành tựu lớn nhất của hội nghị là cam kết quốc tế mới đối với chương trình nghị sự chống phân biệt chủng tộc.
Vào tháng 9/2011, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức một cuộc họp cấp cao tại New York để kỷ niệm 10 năm ngày thông qua Tuyên bố Durban và Chương trình hành động. Tại đó, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua một tuyên bố chính trị thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thực hiện cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và các hành vi liên quan, và bảo vệ các nạn nhân, một ưu tiên cao đối với tất cả các quốc gia thành viên.
Vào ngày 23/12/2013, Đại hội đồng đã tuyên bố Thập kỷ Quốc tế cho Người gốc Phi bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2015 và kết thúc vào ngày 31/12/2024, với chủ đề “Người gốc Phi: Công nhận, công bằng và phát triển”.
Nguyên tắc bình đẳng
Đại hội đồng LHQ nhắc lại rằng tất cả con người sinh ra đều tự do, bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi, cũng như tiềm năng đóng góp một cách xây dựng vào sự phát triển và hạnh phúc của xã hội. Trong nghị quyết gần đây nhất, Đại hội đồng cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ học thuyết nào về tính ưu việt của chủng tộc đều là sai lầm về mặt khoa học, có thể lên án về mặt đạo đức, bất công và nguy hiểm về mặt xã hội và phải bị bác bỏ, cùng với các lý thuyết cố gắng xác định sự tồn tại của các chủng tộc người riêng biệt.