"Phần lớn bệnh nhân nam có các biểu hiện nặng hơn, ngoài ra những bệnh nhân thừa cân hoặc có vấn đề sức khỏe từ trước cũng có nguy cơ cao hơn", theo giáo sư Derek Hill tại Đại học College London (Anh).
Thống kê ban đầu từ Trung tâm nghiên cứu và kiểm toán quốc gia chuyên sâu độc lập của Anh về những người được điều trị chăm sóc đặc biệt đã xác nhận hiện tượng này: 73% là nam giới và 73,4% được xếp vào nhóm thừa cân.
Theo dữ liệu sơ bộ về kết quả đối với những bệnh nhân đã hồi phục hoặc tử vong vì COVID-19 trong khoảng thời gian trước ngày 3/4, bệnh nhân béo phì cũng ít có khả năng phục hồi sau khi được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Khoảng 42,4% những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 đã có thể về nhà sau khi điều trị thành công, so với 56,4% bệnh nhân có BMI dưới 25.
Các phòng cấp cứu ở Pháp đã chứng kiến "một tỷ lệ rất lớn bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì", bác sĩ ICU Matthieu Schmidt tại bệnh viện Pitie-Salpetriere ở Paris phát biểu trên đài France 2, nhấn mạnh rằng "3/4 bệnh nhân là nam giới".
Giới chức y tế New York cũng đã xác nhận những thông tin trên.
"Tôi đang ở trong phòng cấp cứu và thật đáng chú ý khi theo ước tính cá nhân có tới 80% bệnh nhân được đưa vào là nam giới", bác sĩ Hani Sbitany, người đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở quận Brooklyn, cho biết.
Nhưng tại sao nhiều đàn ông lại thường có các triệu chức nghiêm trọng khi mắc COVID-19. Nhiều chuyên gia cho rằng do dịch bệnh mới chỉ bùng phát nên chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng về vấn đề này.
"Tỷ lệ cao các bệnh nhân nam có các triệu chứng nghiêm trọng chỉ mới được ghi nhận", Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu hội đồng khoa học tư vấn cho chính phủ Pháp, cho biết.
Dù cho rằng "không có lời giải thích rõ ràng", ông Delfraissy đã đưa ra giả thuyết rằng đàn ông có tần suất bệnh lý cao hơn.
"Tôi biết rất ít về loại virus này. Tôi đã không biết về nó cách đây 3 tháng rưỡi. Có rất nhiều dấu hỏi được đặt ra", theo vị chuyên gia.
Sinh học và hành vi
Một số chuyên gia nhận định rằng nguyên nhân không nằm ở những lỗ hổng trong cơ thể nam giới, mà là sức mạnh của hệ miễn dịch nữ giới.
"Phụ nữ có hệ miễn dịch bẩm sinh tốt hơn, đặc biệt là trước khi mãn kinh", Pierre Delobel, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Toulouse, cho biết
James Gill, giảng viên tại Trường Y khoa Warwick, cũng tán đồng quan điểm này nhưng cũng đặt ra giả định khác rằng "đơn giản là đàn ông không chăm sóc cơ thể của họ tốt như phụ nữ, với mức độ hút thuốc, sử dụng rượu, béo phì cao hơn, câu trả lời có thể là hỗn hợp của cả hai yếu tố sinh học và môi trường".
Béo phì làm tăng nguy cơ sức khỏe nói chung, với sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao - cả hai đều được xác định là yếu tố làm nặng thêm COVID-19 trong các nghiên cứu của Ý và Trung Quốc, cùng với tuổi tác và bệnh tim mạch, vốn ở mức độ thấp hơn.
Điều này làm tăng mối lo ngại đặc biệt đối với Mỹ, nơi có khoảng 42% người trưởng thành bị béo phì, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
"Chúng tôi lo lắng về những bệnh nhân Mỹ. Họ có thể sẽ gặp nhiều vấn đề hơn vì béo phì", ông Delfraissy nói.