Năm Thìn nói chuyện hình tượng rồng trong tranh Đông Hồ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ở Việt Nam, rồng là linh vật thân thuộc trong cuộc sống của người dân. Từ xa xưa, rồng đã được các nhà điêu khắc, họa sĩ vẽ, chạm trổ, đắp, gò, đan, thêu, tết... tạo nên dáng vẻ kỳ diệu, dũng mãnh, oai nghiêm. Ngày nay, hình tượng rồng vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận. Những người làm tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đang tích cực lưu giữ, sáng tạo chủ đề mới về rồng nhằm làm phong phú thêm dòng tranh này.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh vẽ tranh rồng.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh vẽ tranh rồng.

Ước vọng phát triển

Làng tranh dân gian Đông Hồ nằm sát bờ sông Đuống thơ mộng, cách Hà Nội chừng 25km, đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm qua. Đây là một dòng tranh quý, độc đáo, gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp, cuộc sống lao động, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người nông dân bình dị, chất phác. Không chỉ bảo tồn, phát huy nếp cũ, những nghệ nhân Đông Hồ còn sáng tạo những bức tranh với nhiều chủ đề mới, đặc biệt là những con giáp biểu tượng cho năm mới.

Tranh dân gian Đông Hồ có 2 bức tranh cổ về hình tượng rồng là "Rước rồng" và "Chuột rước rồng". Cả hai bức tranh này đều được nghệ nhân Đông Hồ khắc họa khá độc đáo, hài hòa. Mỗi bức tranh có ý nghĩa riêng nhưng đều phản ánh tâm tư, tình cảm của người xưa, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của con người nơi đây.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Oanh (phường Song Hồ) cho biết: Với chủ đề về rồng thì bức tranh "Rước rồng" là độc đáo nhất. Trong tranh là hình ảnh 9 người đang cầm cờ, trống, rước rồng. Mọi người đều trong trạng thái động, đang di chuyển, tươi vui, phấn khởi. Trên nền 5 màu cơ bản, nguyên liệu tạo màu gần gũi mộc mạc, từ tro bếp, lá tre, hoa hòe, bột sò điệp..., quang cảnh đám múa rồng trong ngày hội Xuân hiện lên với vẻ độc đáo, thể hiện sự sáng tạo trong cách chọn chất liệu, cách thể hiện và đặc biệt là cách truyền tải văn hóa truyền thống.

Chú rồng được rước ở trên cao đang uốn lượn, mềm mại nhưng vẫn toát lên vẻ uy nghi. Thông qua đó, nghệ nhân xưa phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Kinh Bắc. Đây là mảnh đất của các lễ hội, trong đó rước rồng là hoạt động được mọi người mong chờ nhất bởi đây là trò trình diễn kết hợp tài khéo léo và sức mạnh, thể hiện tính cộng đồng và cầu cho mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt. Những hình ảnh tươi vui đầy sức sống thể hiện cuộc sống đủ đầy, mong ước cuộc sống tươi vui, hạnh phúc.

Còn tranh "Chuột rước rồng" lại thể hiện sự tiếu lâm dân gian, miêu tả đàn chuột rước rồng trong một lễ hội. Đoàn rước gồm những con chuột cầm đèn lồng hình cá, hình các loại hoa quả, có nhóm cầm cờ hay phù hiệu, có nhóm nhạc công thổi kèn, đánh trống trên xe kéo, đánh chiêng, đốt pháo. Qua đó, tác giả muốn phản ánh không khí ngày xuân không chỉ con người vui chơi, trảy hội mà những con vật cũng cảm nhận được niềm vui đó...

“Cùng với những bức tranh truyền thống, năm 2024, gia đình tôi sáng tạo thêm bức tranh rước rồng và tranh rồng sao cho phù hợp với cuộc sống đương đại. Theo đó, bên cạnh thể hiện không khí vui tươi với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng của con người, con rồng chuyển động theo tư thế cuộn mình từ trên xuống nhưng đầu ngóc lên thể hiện sự vươn mình, phát triển, ước vọng vào khí thế mới, bước tiến mới”, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (phường Song Hồ) đã có hơn 50 năm gắn bó với tranh dân gian Đông Hồ, không nhớ đã vẽ bao nhiêu bức tranh về 12 con giáp. Con rồng là một tác phẩm nghệ thuật khiến nghệ nhân có nhiều cảm hứng nhất bởi rồng là biểu tượng của sự cao quý, sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ. Ông chia sẻ, hình tượng rồng thường xuất hiện ở những nơi linh thiêng, sẽ mang đến những điều tốt đẹp. Nên khi vẽ hình tượng rồng trong tranh dân gian Đông Hồ, ông thường thể hiện rất sáng tạo và đa dạng, thể hiện ước vọng của con người về một cuộc sống hòa bình, yên ả, ấm no, sung túc. Đặc biệt, rồng đại diện cho điềm lành, sự may mắn, thịnh vượng. Bởi vậy, trước Tết nhiều tháng, gia đình ông đã có bên đến đặt hàng, lựa chọn những bức tranh rồng đầy ý nghĩa để trưng bày vào năm mới.

Lưu giữ thú chơi tranh ngày Tết

Tranh Đông Hồ có cội nguồn từ xa xưa và ra đời chủ yếu phục vụ cho nhu cầu người chơi tranh vào dịp Tết đến, Xuân về. Mỗi bức tranh hàm chứa giá trị riêng, tượng trưng cho mơ ước của người dân và luôn gửi gắm vào đó những lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho năm mới. Bởi vậy tranh Đông Hồ thường được gọi là tranh Tết.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Hoa (phường Song Hồ) đã có 7 đời làm tranh Đông Hồ và coi đây một phần máu thịt, không thể thiếu trong cuộc sống. Hiện nhà ông còn lưu giữ hàng trăm bộ ván khắc cổ với hàng nghìn bức tranh với các chủ đề phong phú, đa dạng. Với mong muốn gìn giữ, phát huy dòng tranh truyền thống, gia đình ông hiện có 3 người thường xuyên khắc, in, vẽ tranh. Đặc biệt, vào thời kỳ cận Tết nguyên đán, mỗi ngày gia đình ông thường đón tiếp hàng chục đoàn khách đến tham quan, mua tranh.

Ông Nguyễn Hữu Hoa chia sẻ, chợ tranh Tết xưa diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hàng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Khách mua tranh từ khắp các tỉnh gần xa xuôi theo sông Đuống, theo các tuyến đường bộ về buôn tranh. Mọi người mua tranh trả tiền hay dùng hàng hóa đổi lấy tranh đều được. Sau năm 1945, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự nỗ lực bảo tồn làng nghề của các gia đình và các cấp chính quyền, thói quen chơi tranh, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ cũng dần khởi sắc. Thói quen chơi tranh ngày Tết cũng đang được mọi người tiếp nối.

Cận Tết, trời rét lạnh nhưng anh Nguyễn Văn Chiến (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đến làng tranh Đông Hồ để được lựa chọn những bức tranh phù hợp. Năm nào mỗi độ Tết đến Xuân về anh đều đến Song Hồ để chọn bức tranh ý nghĩa để trưng bày trong gia đình và tặng người thân. Thông thường anh chọn các loại tranh như vinh hoa, phú quý, thày đồ cóc dạy học, hứng dừa, tố nữ Quan họ… Năm nay, anh chọn bức tranh rước rồng. Anh chia sẻ, Bắc Ninh – Kinh Bắc vốn là nơi phát sinh của vương triều Lý. Vua Lý Thái Tổ dời đô, đặt tên Thăng Long là kinh đô của đất nước. Bởi vậy, bức tranh rồng ở đây càng có ý nghĩa, thể hiện sự cao quý, sức sống vĩnh hằng.

Trước đây, một cái Tết cổ truyền đầy đủ, không thể thiếu vắng tranh Đông Hồ với những nét vẽ giản dị nhưng lại mang hàm ý sâu xa. Ngoài tô điểm cho không gian gia đình, tranh dân gian Đông Hồ còn được chọn làm quà tặng cho người thân, bạn bè vào dịp Tết. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống đáng quý của người Việt Nam. Ngày nay, nhu cầu chơi tranh Đông Hồ ngày Tết không còn độc tôn như xưa. Nhưng thú chơi tranh Đông Hồ ngày Tết vẫn hiện diện trong một số gia đình. Với họ, tranh Đông Hồ vẫn còn nguyên giá trị và có sức hút đặc biệt bởi đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi, gắn liền với văn hóa người Việt.

Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh tiểu học
(Ngày Nay) - Ngày 23/12, tại Nhà văn hóa thị xã Duy Tiên (Hà Nam), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức chương trình Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025.
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.