Còn tại BV Thanh Nhàn, liên tiếp trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ tăng kỷ lục. Nhiều bệnh nhân nặng, tiên lượng xấu, không ít bệnh nhân đột quỵ lần thứ 2, thứ 3 phải nhập viện khiến các y bác sỹ dù đã căng mình làm việc hết công suất vẫn "mướt mải" vì bệnh nhân quá đông.
BSCKII Phạm Thị Trà Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh nhân bị tai biến do huyết áp tăng cao đột ngột bất thường. Những bệnh nhân này hầu hết đều được điều trị huyết áp trước đó nhưng không kiểm soát đúng liệu trình, cộng với thời tiết nắng nóng, gây đứt mạch máu não.
“Mùa hè và mùa đông là hai mùa bệnh đột quỵ gia tăng. Tuy nhiên, ở thời điểm mùa hè, nắng nóng cao, bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng bệnh dẫn tới tăng huyết áp cao hơn hẳn. Những ngày gần đây, chúng tôi tiếp nhận 5-6 ca tai biến mạch máu não mỗi ngày, phần lớn đến là do phát hiện muộn. Nhiều người thấy chóng mặt, đau đầu lại chỉ nghĩ là bị say nắng, say gió thì khi đến chúng tôi muộn, rất khó xử trí, tỷ lệ di chứng nặng nề hơn người đến sớm”, BS Giang nói.
BS Giang cho biết thêm, đột quỵ nắng nóng do hai nhóm nguyên nhân là xuất huyết não và nhồi máu. Nếu bệnh nhân nhồi máu não được đưa đến viện sớm trước 4,5 giờ sẽ được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, giảm cục máu đông. Nếu đột quỵ được nhập viện sớm dưới 6 giờ sẽ có phục hồi nhanh, giảm tỷ lệ di chứng, có thể phục hồi hoàn toàn.
Các chuyên gia về đột quỵ chỉ ra 3 dấu hiệu điển hình của đột quỵ, bao gồm:
Biểu hiện thứ 1: Méo miệng. Nếu bệnh nhân cười, nhe răng mà miệng bị méo thì đó là dấu hiệu đột quỵ.
Biểu hiện thứ 2: đó là yếu liệt tay chân. Yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao, nếu tay cao tay thấp hoặc mới để lên đã hạ xuống thì đó là dấu hiệu đột quỵ.
Biểu hiện thứ 3 là: Ngôn ngữ bất thường. Nếu có cả 3 biểu hiện trên thì chắc chắn là đột quỵ và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.