Sau khi tàu thăm dò của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đưa một mẫu vật tiểu hành tinh Bennu trở về Trái Đất hôm 24/9, cơ quan này ngày 11/10 đã công bố hình ảnh đầu tiên về mẫu vật này, cho thấy mẫu vật có khoáng sét chứa nước và đất giàu carbon.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ở Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết: “Đây là mẫu vật tiểu hành tinh giàu carbon lớn nhất từng được đưa về Trái Đất.”
Theo Dante Lauretta, nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona, Nhóm các nhà khoa học và kỹ thuật viên đã sử dụng kính hiển vi điện tử và các công cụ chụp X quang để nghiên cứu mẫu vật.
Kết quả cho thấy mẫu vật có chứa 5% là carbon, hiện diện ở cả dạng hữu cơ và khoáng chất. Carbon là thành phần thiết yếu của sự sống trên Trái Đất. Ngoài ra, phân tử nước được tìm thấy trong các cấu trúc tinh thể của khoáng sét trên mẫu vật.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra các khoáng chất sắt ở dạng sulfide sắt (FeS) và oxide sắt đỏ (Fe₂O₃), với những dấu hiệu cho thấy chúng được hình thành trong môi trường có nhiều nước.
Trong khi đó, ông Daniel Glavin, nhà khoa học cấp cao chuyên phân tích mẫu vật từ tiểu hành tinh làm việc tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA, cho biết phân tích ban đầu cho thấy mẫu vật dường như có sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ.
Những phát hiện ban đầu nói trên có thể mở ra những khám phá sâu hơn nữa, vốn có thể giúp củng cố giả thuyết rằng những thiên thể như sao chổi, tiểu hành tinh và thiên thạch đã va chạm với Trái Đất từ thuở sơ khai và “gieo mầm” những thành phần nguyên thủy cho sự sống ở hành tinh này.
Mẫu vật lấy từ bề mặt tiểu hành tinh Bennu gần Trái Đất là mẫu vật lớn nhất thu thập được từ trước đến nay trên một tiểu hành tinh. Đây là mẫu vật tiểu hành tinh thứ 3 được mang về Trái Đất phân tích, sau hai sứ mệnh tương tự của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản năm 2010 và 2020.
Mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu ước tính chứa khoảng 250 gram vật chất, nhiều hơn so với mục tiêu thu thập ban đầu là 60 gram.
Lâu nay, các nhà khoa học vũ trụ đã quan tâm nghiên cứu những mẫu vật chất nguyên thủy nhất của các tiểu hành tinh vì điều này giúp khám phá nguồn gốc của sự sống và hệ Mặt Trời.
Thành phần hóa học và khoáng chất của Bennu hầu như không thay đổi kể từ khi hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước đây, nên tiểu hành tinh này cung cấp những manh mối quý giá về nguồn gốc và sự phát triển của các hành tinh đá như Trái Đất.
Tàu thăm dò OSIRIS-REx của NASA đã đưa mẫu vật trở về Trái Đất tại sa mạc ở bang Utah, miền Tây nước Mỹ.
Tàu OSIRIS-REx được phóng hồi tháng 9/2016 và đến tiểu hành tinh Bennu năm 2018. OSIRIS-REx quay quanh tiểu hành tinh này trong gần 2 năm sau đó và tiếp cận lấy mẫu vật ngày 20/10/2020.
Tàu rời Bennu vào tháng 5/2021 để thực hiện hành trình dài 1,9 tỷ km quay trở về Trái Đất, bao gồm 2 quỹ đạo quanh Mặt Trời. Dự kiến, tàu vũ trụ OSIRIS-REx sẽ tiếp tục khám phá Apophis - một tiểu hành tinh khác cũng gần Trái Đất.
Bennu là tiểu hành tinh giàu carbon, được phát hiện năm 1999. Bennu được phân loại là "vật thể gần Trái Đất" vì cứ 6 năm một lần, tiểu hành tinh này có quỹ đạo di chuyển tương đối gần Trái Đất.
Được tạo thành từ một tập hợp đá lỏng lẻo, giống như đống gạch vụn, Bennu có bề rộng chỉ 500 mét, rất nhỏ so với tiểu hành tinh Chicxulub va vào Trái Đất khoảng 66 triệu năm trước đây khiến loài khủng long tuyệt chủng.