Cơ quan vũ trụ Roskosmos của Nga cho biết con tàu Luna-25 đã đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng vào lúc 11:57 sáng ngày 16/7 theo giờ địa phương. Trước đó vào ngày 11/8, Nga đã phóng tàu vũ trụ Luna-25 hạ cánh xuống Mặt Trăng, vụ phóng đầu tiên sau 47 năm. Đến ngày 13/8, các nhà khoa học đã thu được và bắt đầu xử lý những dữ liệu đầu tiên từ con tàu. “Dữ liệu đo lường đầu tiên về chuyến bay tới Mặt trăng đã được thu thập và nhóm khoa học của dự án đã bắt đầu xử lý nó”, Cơ quan vũ trụ Roscosmos cho biết.
Hồi đầu tháng này, tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ cũng đã đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng. Đến nay, tàu Chandrayaan-3 và Luna-25 đang trong một cuộc chạy đua tiếp cận cực nam để tìm kiếm sự tồn tại của nước đóng băng trên Mặt Trăng. Theo kế hoạch, tàu Luna-25 sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất, trong khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển hướng và hạ cánh xuống cực nam Mặt Trăng vào ngày 21/8.
Con tàu Luna-25, có kích thước gần bằng một chiếc ô tô nhỏ, sẽ hoạt động ở cực nam trong vòng 1 năm, nơi các nhà khoa học tại NASA và các cơ quan vũ trụ khác trong những năm gần đây đã phát hiện dấu vết nước đóng băng trong các hố Mặt Trăng. Sự tồn tại của nước trên Mặt Trăng có ý nghĩa lớn đối với các cường quốc theo đuổi công cuộc khám phá không gian, có khả năng cho phép con người sống lâu hơn trên hành tinh này. Đây sẽ là điều kiện tốt để các quốc gia tiếp tục thực hiện hoạt động khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng.
Theo nhà báo Anatoly Zak, người chuyên theo dõi các chương trình vũ trụ của Nga cho biết, kể từ sau sứ mệnh đưa tàu lên hành tinh này của Liên Xô vào năm 1976, Nga không đưa bất kỳ tàu vũ trụ nào đi vào quỹ đạo Mặt Trăng. “Việc đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo mặt trăng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với sự thành công của Nga trong việc hiện thực hoá tham vọng khám phá hành tinh này. Đây là vụ phóng đầu tiên kể từ thời hậu Xô Viết", nhà báo Anatoly Zak nhấn mạnh.
“Một số người gọi đây là cuộc chạy đua khám Mặt Trăng lần thứ hai. Chính vì vậy, việc nối lại chương trình phóng tàu vũ trụ tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng là rất quan trọng đối với Nga. Vụ phóng tàu Luna-25 không chỉ là một nhiệm vụ đơn thuần, mà hơn cả đó là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Nga trong vòng 10 năm tới”, nhà báo Zak chỉ rõ.
Trong cuộc đua chinh phục Mặt Trăng ở thế kỷ trước, trong khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong là người đầu tiên đi bộ trên mặt trăng vào năm 1969, Nga đã đưa được hai con tàu lên khám phá hành tinh này. Vào năm 1959, tàu Luna-2 là tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận bề mặt của Mặt Trăng, và đến năm 1966, tàu Luna-9 năm là con tàu đầu tiên có thể hạ cánh mềm trên hành tinh này.
Thế nhưng, kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga đã không gửi các tàu thăm dò khoa học ra ngoài quỹ đạo Trái đất. Vụ phóng tàu Luna-25 được cho là sự trở lại của Nga trong đường đua chinh phục Mặt Trăng, với tham vọng là quốc gia đầu tiên tiếp cận được xuống cực nam của hành tinh này.
Nga tuyên bố hôm 11/8 rằng họ sẽ khởi động lại các chương trình khám phá mặt Mặt Trăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nước này cũng cho biết sẽ cân nhắc khả năng thực hiện một sứ mệnh chung giữa Nga và Trung Quốc nhằm đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng, và xa hơn thậm chí là xây dựng một căn cứ trên hành tinh này.