Ngân hàng và tổ chức chính trị-xã hội hợp lực đẩy lùi tín dụng đen

Theo Phó Thống đốc để hạn chế tín dụng đen, một mình ngành ngân hàng sẽ khó giải quyết hết, mà cần có sự phối hợp của các cấp ngành, trước hết là các tổ chức chính trị-xã hội.

Ngân hàng và tổ chức chính trị-xã hội hợp lực đẩy lùi tín dụng đen

"Làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng" là yêu cầu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đặt ra tại cuộc họp với các tổ chức chính trị-xã hội về giải pháp đẩy lùi tín dụng đen ngày 9/4 tại Hà Nội.

Tín dụng đen len vào mọi ngõ ngách

Theo Phó Thống đốc, trong thời gian qua tín dụng đen đã bủa vây đến nhiều người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp… đã gây ra những hệ lụy rất lớn.

Vấn đề này cũng đã được ông Nguyễn Văn Toản, Phó ban Chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ, hiện nay nhiều gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn… mà không thể tiếp cận được ngân hàng nên đã phải “cầu cứu” vào tín dụng đen. 

Hiện nay, tờ rơi về tín dụng đen đã được phát tận nhà, tận cửa công ty, nơi làm việc của các công nhân lao động với thủ tục cho vay đơn giản nhanh gọn. Có những tổ chức tín dụng đen cho vay thậm chí còn không cần chứng minh nhân dân, chỉ cần ký là được.

Cũng theo ông Toản, khi đến hạn trả nợ, nhiều người không có tiền trả đã bị xã hội đen bủa vây, nhiều công nhân đã không dám đến nơi làm việc. Vợ con người vay phải rời nơi ở để về quê, nhiều người còn bị uy hiếp, thậm chí bị đánh đập…

Chính vì vậy, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như: cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách...

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc vấn đề này một mình ngành ngân hàng giải quyết thì sẽ chậm và không dứt điểm, cần phải có sự phối hợp của các cấp ngành, trước hết là các tổ chức chính trị-xã hội.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Ngân hàng không thể có chi nhánh tới tận thôn, xã để có thể nắm bắt chính xác thông tin từng người vay vốn. Ví dụ như, người vay vốn thuộc xã nào, huyện nào, thôn nào, họ có sử dụng vốn đúng mục đích hay không? Việc xác định đúng và trúng nhu cầu của khách hàng sẽ giảm được rủi ro trong hoạt động tín dụng. Đặc biệt, sẽ không còn tình trạng vô tình tiếp tay cho đối tượng sử dụng vốn không đúng mục đích.”

Chính vì thế, theo Phó Thống đốc rất cần có sự phối hợp của các tổ chức chính trị-xã hội như Trung ương hội nông dân, Hội cựu chiến binh, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam… và trên thực tế những tổ chức này cũng đang phối hợp với ngành ngân hàng khá tốt.

Phó Thống đốc khẳng định, làm thế nào để ngân hàng giải quyết thủ tục cho vay nhanh nhất, đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân kịp thời nhất nhưng vẫn đảm bảo được an toàn vốn cho các ngân hàng là mục tiêu hàng đầu trong đẩy lùi tín dụng đen thông qua mở rộng kênh tín dụng chính thức.

Điều này càng khẳng định vai trò của tổ chức, đoàn thể là cần thiết. Sự vào cuộc của các cơ quan địa phương và đoàn thể sẽ là "cánh tay nối dài" hỗ trợ cho các ngân hàng.

Ngan hang va to chuc chinh tri-xa hoi hop luc day lui tin dung den hinh anh 1Tín dụng đen bủa vây các khu công nghiệp. Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Đưa ra nhiều bài toán đáp ứng nhu cầu vốn

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 27/3, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018.

Thực tế, thời gian qua, các ngân hàng như Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc truyền thông chủ trương, chính sách và các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại khắp các thôn, bản, vùng, miền đất nước, trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả, phần nào giúp người nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đến nay ngân hàng đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2019, Agribank đã dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng trong cơ cấu tín dụng để cho vay đáp ứng các mục đích tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình với thủ tục đơn giản, thời gian thẩm định hồ sơ trong ngày sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Kết quả, trong 3 tháng doanh số đã đạt 400 tỷ đồng với số khách hàng được vay vốn là 14.196 người.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn hạn chế đến với tín dụng đen, ông Thành cho biết, hiện Agribank đã ban hành văn bản sửa đổi bổ sung quy chế cấp tín dụng phục vụ chính sách phát triển nông nghiệp nông thông theo Nghị định 116, theo đó áp dụng mức cho vay không có tài sản đảm cá nhân lên tới 200 triệu đồng, không hạn chế số lần cơ cấu nợ.

Còn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho biết, ngân hàng này đã cho vay thông qua 180.967 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 193.314 tỷ đồng; trong đó, qua hội nông dân là 56.958 tổ với dư nợ là 60.362 tỷ đồng; hội phụ nữ là 67.944 tổ với dư nợ là 75.675 tỷ đồng; hội cựu chiến binh là 31.292 tổ với dư nợ là 31.466 tỷ đồng; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là 24.773 tổ với dư nợ là 25.811 tỷ đồng.

Cũng theo ông Lý, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ rà soát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời, không để sót đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay, có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn vay; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro theo quy định; tập trung phân tích, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ bị chiếm dụng, lãi tồn đọng, có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nợ xấu phát sinh.

Còn ông Toản cũng đề xuất tại các khu công nghiệp, chế xuất cần có thêm phòng giao dịch di động để công nhân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Mặt khác, ông Toản cũng kiến nghị, các ngân hàng chủ động tích cực tiếp cận công nhân và hướng dẫn các thủ tục vay vốn sao cho hết sức thuận lợi như để vay được vốn thì công nhân phải làm những gì, cần những giấy tờ gì…

Nhằm hạn chế tín dụng đen, Phó Thống đốc cho biết, ngoài gói tín dụng 5.000 tỷ đồng của Agribank, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa trình Thủ tướng phương án để Ngân hàng Chính sách Xã hội tăng cường thêm gói tín dụng mới dành riêng cho các hộ thoát nghèo, trong đó sẽ không thực hiện gò bó lãi suất. Đồng thời, trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cấp phép thêm cho một số tổ chức tài chính vi mô.

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục sử dụng các hình thức truyền thông phong phú, đa dạng để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của tín dụng đen, giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, góp phần hạn chế và đẩy lùi tín dụng đen.

Đặc biệt, Phó Thống đốc cũng đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc trao đổi thông tin, đánh giá, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình, chính sách tín dụng của ngành ngân hàng nhằm đảm bảo người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách toàn diện, góp phần hạn chế tín dụng đen./.

Theo Vietnamplus
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.