Trước thực tế này, đạo diễn người Nhật Bản nổi tiếng Hirokazu Kore-eda coi đây là một vấn đề mà ông cần có trách nhiệm tháo gỡ. Ông đã tham gia cố vấn cho các nhà làm phim trẻ, có triển vọng thực hiện một loạt phim được đăng trên nền tảng Netflix.
Ông Kore-eda, đạo diễn bộ phim “Shoplifters” năm 2018 từng giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes, cho rằng thái độ tự mãn, tự hài lòng và điều kiện làm việc tồi tệ đang kìm hãm ngành điện ảnh và truyền hình Nhật Bản phát triển, trong khi nước láng giềng Hàn Quốc đang vượt lên trên trường quốc tế ở lĩnh vực này.
“Môi trường làm phim của Nhật Bản đã đến lúc cần phải thay đổi”, ông Kore-eda nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi cải thiện chế độ cho những người trong ngành khi họ phải làm việc với mức lương thấp trong thời gian dài với áp lực lớn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà những nhân tố trẻ trong ngành điện ảnh Nhật bản phải đối mặt có lẽ là sự bất an về một tương lai bất định.
“Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi hoàn toàn có thể tập trung vào công việc làm phim của mình. Nhưng bây giờ, khi nhìn xung quanh mình, tôi thấy rằng những người trẻ tuổi không còn chọn làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình nữa”, đạo diễn Kore-eda chia sẻ.
Đạo diễn bộ phim “Broker và Our Little Sister” sau đó đã quyết định hợp tác với ba nhà làm phim trẻ tuổi thực hiện một loạt phim lấy bối cảnh ở Kyoto đậm chất truyền thống. Ông coi đây là một hướng đi nhằm góp phần làm “sống lại” ngành công nghiệp điện ảnh Nhật Bản.
Bộ phim gồm chín tập sẽ được phát hành trên toàn thế giới vào ngày 12/1 tới đây, chuyển thể từ bộ truyện manga “The Makanai: Cooking for the Maiko House” (tạm dịch “Makanai: Đầu bếp Nhà Maiko”). Đây bộ phim kể câu chuyện về một cộng đồng maiko gắn bó chặt chẽ – những người đang luyện tập mặc kimono và các kĩ năng khác để trở thành Geisha.
Đạo diễn Kore-eda cho biết ông học được nhiều điều từ ba nhà làm phim trẻ trong quá trình cộng tác sản xuất bộ phim. “Tôi như muốn đánh cắp thứ gì đó từ ba người này”, ông ấy nói đùa, khen ngợi khả năng cũng như chất lượng công việc mà họ đạt được trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật với “kiến thức về các công cụ làm phim chuyên sâu hơn tôi rất nhiều”.
Đạo diễn người Nhật Bản nổi tiếng Hirokazu Kore-eda. |
Trong khi phim hoạt hình Nhật Bản đang bùng nổ trên các nền tảng Netflix và các dịch vụ phát trực tuyến khác, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình của xứ sở hoa anh đào như đang bị lu mờ bởi những siêu phẩm ăn khách của Hàn Quốc như Squid Game, hay bộ phim đoạt giải Oscar – Ký sinh trùng.
Đạo diễn bộ phim “Shoplifters” cho biết, để biến Hàn Quốc trở thành một cường quốc văn hóa toàn cầu, trong suốt hai thập kỷ qua, nước này luôn đi đầu với nhiều nỗ lực cụ thể nhằm quảng bá, “xuất khẩu” văn hóa đại chúng ra thế giới.
“Trong suốt quãng thời gian đó, Nhật Bản chỉ tập trung vào thị trường nội địa. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngành điện ảnh của chúng ta có khoảng cách ngày càng xa so với nước bạn”, ông Kore-eda chỉ rõ. Trong bối cảnh thị trường nội địa đang phát triển mạnh mẽ, Nhật Bản đã không có nhiều bước đi thiết thực trong hoạt động sản xuất, cũng như quảng bá phim điện ảnh và chương trình truyền hình ra nước ngoài.
Đạo diễn Kore-eda và một số nhà làm phim khác cho rằng Nhật Bản cần một Trung tâm Điện ảnh và Hình ảnh Động Quốc gia do nhà nước điều hành, nhằm thúc đẩy hoạt động tài trợ, đầu tư và cải thiện chế độ, điều kiện làm việc trong lĩnh vực này.
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2019 của chính phủ Nhật Bản cho thấy hơn 60% nhân viên và 70% người làm việc tự do tham gia làm phim ở Nhật Bản không hài lòng với mức lương thấp, thời gian làm việc mệt mỏi và tương lai bất định của ngành điện ảnh và truyền hình của nước này.
Hiroshi Okuyama, một trong ba nhà làm phim cộng tác với Kore-eda trong loạt phim mới, cho biết ông và các đồng nghiệp không còn coi nghề nghiệp của mình là một công việc có thể đem lại nguồn thu nhập có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống.
“Các nhà làm phim thuộc thế hệ của tôi, bao gồm cả chính tôi, giờ đây phải chấp nhận một thực tế rằng chúng tôi không còn có thể kiếm sống bằng việc làm phim”, Okuyama, nhà làm phim trẻ 26 tuổi, chia sẻ.