Ngành ngân hàng ủng hộ miền Trung hơn 80 tỷ đồng và hỗ trợ xử lý nợ cho người dân

(Ngày Nay) - Bên cạnh việc phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam còn yêu cầu các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp xử lý nợ nhằm kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Ủng hộ đồng bào miền Trung hơn 80 tỷ đồng

Từ đầu tháng 10/2020, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tình trạng ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Dự báo trong thời gian tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức cao.

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách và hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", tính đến ngày 29/10/2020, tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ cho người dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi là hơn 80 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng ủng hộ miền Trung hơn 80 tỷ đồng và hỗ trợ xử lý nợ cho người dân ảnh 1

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động NHNN Trung ương ủng hộ đồng bào miền Trung

Trong đó: Công đoàn Ngân hàng Trung ương hỗ trợ gần 700 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 16 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam gần 16 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ủng hộ 18 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 14,5 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội 5,8 tỷ đồng; Ngân hàng Liên Việt 5 tỷ đồng và Ngân hàng SHB 5 tỷ đồng.

Trước đó ngày 17/10, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), các ngân hàng thương mại đã đăng ký và thực hiện tài trợ an sinh xã hội qua Quỹ vì người nghèo Trung ương là 33,5 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, các ngân hàng thương mại đã thực hiện tài trợ hơn 7.500 tỷ đồng, vào các lĩnh vực: y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và xóa nhà dột nát của đồng bào dân tộc...

Năm 2020, mặc dù phải chia sẻ nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp để khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 bằng việc giảm lãi vay, giãn hoãn nợ các khoản nợ đến hạn, các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện an sinh xã hội hỗ trợ người nghèo theo chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQVN với số tiền đến thời điểm hiện nay là 1.800 tỷ đồng.

Yêu cầu hỗ trợ xử lý nợ cho người dân

Theo NHNN, tổng dư nợ hiện nay tại 6 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng bởi đợt mưa lũ vào khoảng 325 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 125 nghìn tỷ đồng và đối với các đối tượng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội là khoảng 23 nghìn tỷ đồng.

Ngày 23/10/2020, NHNN Việt Nam đã có văn bản yêu cầu TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng thực hiện ngay một số nội dung công việc để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Ngành ngân hàng ủng hộ miền Trung hơn 80 tỷ đồng và hỗ trợ xử lý nợ cho người dân ảnh 2

Mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tình trạng ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản

Đối với các TCTD: Khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, căn cứ khả năng tài chính xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định.

Vận động cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị hỗ trợ, chia sẻ khó khăn; Tổ chức thăm hỏi, động viên đối các gia đình bị thiệt hại vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đợt thiên tai.

Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố: Chủ động nắm tình hình mưa lũ, chỉ đạo các TCTD rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại do mưa lũ để kịp thời hỗ trợ người dân. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn về con người và tài sản, kho quỹ; Phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai; thực hiện xử lý nợ theo trình tự, thủ tục quy định.

Nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát hồi đầu năm, NHNN đã chủ động vào cuộc sớm và nắm bắt, chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động để tháo gỡ khó khăn cho khách vay. NHNN cũng chỉ đạo Công ty cổ phần chuyển mạch quốc gia (Napas), các TCTD miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.

NHNN, các TCTD đã vào cuộc mạnh mẽ, sử dụng nguồn nội lực tài chính của mình thông qua việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lương, giảm lợi nhuận, không chia cổ tức... để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đến 28/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 272.115 khách hàng với dư nợ 331.013 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 493.815 khách hàng với dư nợ 1.161.315 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1.758.224 tỷ đồng cho 315.272 khách hàng.

Ngành ngân hàng ủng hộ miền Trung hơn 80 tỷ đồng và hỗ trợ xử lý nợ cho người dân ảnh 3

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua mưa lũ, dịch bệnh

Tổng số tiền phí giao dịch thanh toán các TCTD miễn, giảm cho khách hàng qua Napas đến hết năm 2020 khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Để hỗ trợ người nghèo, đến ngày 28/9/2020, Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 163 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 4.080 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75,2 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 1,6 triệu khách hàng với dư nợ trên 58 nghìn tỷ đồng.

Tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng hỗ trợ những đối tượng: hộ nghèo, người nghèo, học sinh sinh viên, phụ nữ nghèo, người xuất khẩu lao động, người khuyết tật… được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Tính đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Ngân hàng chính sách xã hội cũng đã nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Các chương trình cho vay có quy định áp dụng mức cho vay đối đa như hộ nghèo như cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, khu vực dân tộc thiểu số cũng được áp dụng nâng mức cho vay này.

Trong năm 2019, các TCTD cũng như NHNN chi nhánh 63 tỉnh, thành phố luôn chủ động bám sát diễn biến sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, từ đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nâng hạn mức cho vay; xem xét miễn, giảm lãi vay, thu gốc trước lãi sau; tiếp tục cho vay mới phục vụ sản xuất, chuyển đổi cây trồng,... cho ngành lúa gạo, ngành chăn nuôi, ngành tiêu,... do thiên tai, dịch bệnh.

Tới đây, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát, xem xét để đưa ra thêm các giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, tái thiết cuộc sống sau thiên tai, dịch bệnh.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.