Bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ và gây ảnh hưởng khu vực miền Nam trung bộ và Nam Bộ, trong đó có TP.HCM. Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị tăng cường công tác chuẩn bị sẵn sàng chu đáo các phương án ứng phó với bão.
Trong đó, Sở Y tế yêu cầu cán bộ y tế trực hôm nay (24-11) và ngày mai (25-11) không được chủ quan, lơ là, đặc biệt là các công trình đang thi công đề phòng gió lốc gây thương vong về người. Ngoài ra, chú ý đến các sự cố sẽ xảy ra cho bệnh nhân và thân nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ y tế khẩn cấp sẵn sàng can thiệp khi có vấn đề trong bệnh viện hoặc các đơn vị bạn. Xe cấp cứu cần phải trong tư thế xuất phát. Khi có bất kỳ tình huống xảy ra cần hỗ trợ, đơn vị cần báo ngay cho lãnh đạo Sở Y tế biết để sẵn sàng điều phối hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho hay Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP, trong đó Sở y tế là thành viên hôm qua đã có chuyến kiểm tra ở quận 6 và quận 11 để xem xét các phương án di dời dân. Ngoài ra, Sở Y tế đã có chỉ đạo đối với bệnh viện và phối hợp với Tổng công tư điện lực TP.HCM đảm bảo nguồn điện cấp cứu cho người dân, trong tình huống nào cũng phải phục vụ tốt.
Tại huyện Cần Giờ, nơi có khả năng ảnh hưởng nặng nề của cơn bão, bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ cho hay bệnh viện đã triển khai kế hoạch ứng phó với bão theo chỉ đạo của địa phương. Hiện tại, bệnh viện đã bố trí 80% nhân sự trực gác 24/24 giờ, khi cần thiết sẽ huy động toàn bộ lực lượng để đảm bảo công tác cứu chữa.
Đại diện BV Quân y 175 cho hay BV đã tổ chức họp đội cấp cứu đường không và đội cơ động cấp cứu trong khu vực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Tại Trung tâm cấp cứu 115, BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc của trung tâm cũng cho hay trung tâm đã sẵn sàng cho các tình huống xảy ra. Hiện có 5 kíp trực sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ và thông báo các trạm vệ tinh tại 24 quận, huyện sẵn sàng lực lượng, tiếp ứng. Cán bộ chủ chốt, phòng hành chính phải mở số điện thoại thông suốt để tiếp nhận thông tin.