Ngày Doanh nhân Việt Nam: Giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -Đại dịch COVID-19 xuất hiện gần 2 năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam; đặc biệt, sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt và tới hạn.

Trước những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng vào những giải pháp cũng như những “cứu cánh” nhằm hỗ trợ tổng thể cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày Doanh nhân Việt Nam: Giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp ảnh 1
Công nhân làm việc trong xưởng may hàng xuất khẩu tại Garco 10 (Tổng Công ty May 10). Ảnh: TTXVN

Sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài liên tiếp đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Xin bà cho biết những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt?

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư kéo theo các đợt giãn cách, phong tỏa liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nặng nề; đặc biệt là các địa phương phía Nam. Các nơi như: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… là trung tâm kinh tế rơi vào trầm lắng, đình trệ.

Đơn cử trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62.400 tỷ đồng, giảm 69,3%. Đây là tháng 9 có số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký thấp nhất kể từ năm 2016.

Tôi cho rằng, sức chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt và tới hạn; nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, cả nguồn cung đầu vào và đầu ra và các biện pháp phong tỏa, phòng chống dịch khắc nghiệt khiến doanh nghiệp kiệt quệ.

Những quyết định “chưa có tiền lệ” của một số địa phương dẫn tới can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp như việc kiểm soát lưu thông hàng hóa, áp dụng mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, yêu cầu xét nghiệm liên tục, thiếu nhất quán trong thời gian qua.

Cách thức này không những làm đội chi phí rất lớn, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới tâm lý người lao động, dẫn tới thiếu hụt nhân công. Khó khăn chồng chất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

Đơn cử, trong các ngành hàng xuất khẩu thì chỉ một số ít (15-20%) các đơn vị thực hiện được mô hình sản xuất 3 tại chỗ, còn lại đều phải tạm ngừng sản xuất. Điều này đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp khi không hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có doanh thu trong khi vẫn chi trả nhiều khoản chi phí như: nhà xưởng, kho bãi, lãi suất ngân hàng, trả lương chờ việc… Một công ty chế biến xuất khẩu thủy sản quy mô trung bình, có mức thua lỗ khoảng 10 tỷ đồng/tháng khi ngưng sản xuất…

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra. Theo bà, những chính sách đó có đạt kết quả như mong muốn?

Ngay sau khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn ra, với quan điểm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Chính phủ và các cấp chính quyền đã nhanh chóng ban hành các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đối phó với dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo tôi, việc triển khai các giải pháp hỗ trợ trên thực tế còn bất cập, chưa đáp ứng được sự trông đợi và kỳ vọng của doanh nghiệp. Đơn cử như, thời gian hỗ trợ ngắn trong khi dịch bệnh diễn biến khó lường, sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm mạnh.

Một số giải pháp ít có ý nghĩa bởi doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện đặt ra. Ví dụ như: vay vốn với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người lao động, hỗ trợ an sinh cho người lao động… hoặc hỗ trợ không hướng tới nhóm doanh nghiệp khó khăn. Chẳng hạn hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ít ý nghĩa bởi doanh nghiệp đâu có lãi để nộp thuế.

Các chính sách hỗ trợ về lao động, an sinh xã hội ghi nhận sự quan tâm lớn của cả xã hội ngay từ đầu. Nhưng gói hỗ trợ lần 1 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 thì nhiều yêu cầu đặt ra không khả thi, khó đáp ứng, chưa phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở đánh giá lại hiệu quả gói hỗ trợ lần 1, Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ lần 2 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nhằm khắc phục những bất cập của gói hỗ trợ lần 1 trước đây. Gói hỗ trợ này với mục tiêu góp phần hỗ trợ hiệu quả và thực chất cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế người lao động bị ảnh hưởng cũng không dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ này.

Đến nay, một số địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách. Theo bà, các doanh nghiệp có thể đã đi vào hoạt động sản xuất ngay?

Việc các địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách, đưa ra các phương án phục hồi kinh tế là cần thiết bởi doanh nghiệp nếu không phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như kinh tế suy giảm, thất nghiệp, giảm thu nhập và các vấn đề an sinh xã hội… Tuy nhiên, dù một số địa phương đã nới lỏng giãn cách, nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản.

Thứ nhất, vấn đề quan trọng hiện nay là khi các địa phương nới lỏng giãn cách, từng bước mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc đưa người lao động trở lại làm việc như thế nào khi chưa có sự thống nhất về di chuyển lao động giữa các địa phương. Các yêu cầu về cách ly, phòng dịch cũng như diện phủ vaccine chưa đầy đủ khiến lao động khó khăn khi trở lại thành phố làm việc.

Thứ hai, các yêu cầu về phòng dịch trong sản xuất, kinh doanh làm tăng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, việc tìm kiếm và kết nối với các chuỗi cung ứng sau thời gian dài bị đứt gãy cũng là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp rất mong chờ sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ và chính quyền địa phương trong nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, bà có thể nêu một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn?

Thời gian qua, dịch bệnh diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ dẫn tới sự lúng túng trong điều hành ở nhiều cấp khác nhau. Trước những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Chính phủ cần có sự chỉ đạo thống nhất một số nguyên tắc và giải pháp.

Trước tiên, tất cả hàng hóa trừ hàng cấm đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành phải được lưu thông. Có lưu thông hàng hóa thì doanh nghiệp mới duy trì được sản xuất.

Cùng với đó, Chính phủ đưa ra hướng dẫn thống nhất về các phương án kiểm soát dịch bệnh, phương án di chuyển đối với người dân giữa các địa phương với các tiêu chí dễ hiểu, dễ thực hiện; tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và ban hành quy định theo một cách khác nhau… Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các địa phương khi quyết định phương án phòng dịch phải thông tin và tham vấn doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mục tiêu chống dịch nhưng không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tránh tình trạng đưa ra quyết định bất ngờ, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay…

Bên cạnh đó, nên trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn mô hình vận hành và phương thức tổ chức sản xuất cũng như trong phòng chống dịch. Không nên đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng riêng biệt; tránh tình trạng áp dụng cứng nhắc các phương thức tổ chức sản xuất 3 tại chỗ hay 1 cung đường 2 điểm đến như vừa qua; đồng thời, cần cho doanh nghiệp chủ động thực hiện test COVID-19 bởi nhiều đơn vị có lực lượng y tế tại chỗ đủ năng lực làm việc này. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình.

Tôi cũng cho rằng, nên tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia góp ý vào các phương án chống dịch để thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Chính quyền phải gần doanh nghiệp, lắng nghe doanh nghiệp hơn, coi doanh nghiệp là chủ thể tham gia xây dựng phương án phòng chống dịch và phát triển kinh tế của địa phương… Cuối cùng là tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ tổng thể cho doanh nghiệp.

Thưa bà, Nghị quyết số 105/NQ-CP đang được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết. Theo bà, Nghị quyết này hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp?

Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy chính sách, tạo niềm tin và động lực để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vượt qua được giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển. Mục tiêu và giải pháp tốt, nhưng cần chú trọng khâu thực thi để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống.

Bên cạnh Nghị quyết này, các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua cũng được kỳ vọng tạo đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đang xem xét ban hành chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng.

Cùng với đó, các chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như: giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền kỹ quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không... đều đang được các bộ, ngành triển khai.

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, tôi được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp. Các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Cùng với đó, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý...

Xin cảm ơn bà!

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?