Ngày hội năm nay có sự tham gia của 7 tỉnh, ngoài chủ nhà Sơn La còn có Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ.
Văn hóa các dân tộc thiểu số làm nên sự phong phú, đa dạng và nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa Việt Nam, trong đó, vùng Tây Bắc là cái nôi văn hóa của đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Mường… Người dân nơi đây là chủ thể sáng tạo và lưu giữ, thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ. Phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực… của đồng bào Tây Bắc đến nay vẫn được bảo tồn, gìn giữ, thu hút du khách đến cảm nhận và khám phá.
Nhiều danh thắng vùng cao Tây Bắc như: Sa Pa (Lào Cai); Mù Cang Chải (Yên Bái); Mộc Châu (Sơn La)… đã cuốn hút du khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm. Mảnh đất Tây Bắc cũng là vùng đất gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, trong đó các điểm đến như: Điện Biên Phủ, Nghĩa Lộ, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La… được nhiều du khách biết đến.
Mới đây, một chương trình biểu diễn nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” đã chính thức ra mắt khán giả trên đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai). Các tiết mục trong chương trình đều lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Tây Bắc, tổng hợp và hòa quyện của các điệu múa quen thuộc cùng với những sáng tạo mới nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Fansipan…