Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô

(Ngày Nay) - Là điểm nhấn nghệ thuật nổi bật trong chương trình Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, Chương II với chủ đề "Hà Nội - Dòng chảy di sản" đã tạo ấn tượng sâu sắc về sự đa dạng của kho tàng văn hóa Thủ đô.

Hà Nội - thành phố ngàn năm văn hiến - tự hào với dòng chảy văn hóa truyền thống đặc sắc thấm đượm qua hàng ngàn năm lịch sử. Mở màn chương “Dòng chảy di sản” là màn Trống hội Thăng Long hoành tráng "Âm vang thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Tiết mục được trình diễn bởi 360 nghệ nhân, diễn viên đến từ các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai (Hà Nội).

Trong tiếng trống hội hùng tráng, những lá cờ ngũ sắc tung bay phấp phới mang đến không khí thiêng liêng, gợi nhớ ký ức về vùng đất "là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời". Những câu chuyện lịch sử phát lộ qua trầm tích văn hóa cùng tinh thần quật cường của người dân Hà Nội dần được tái hiện bằng các màn diễu hành sôi động, giàu cảm xúc, khắc họa những chiều kích tinh túy mà Thủ đô đã dung nạp suốt hàng nghìn năm lịch sử.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 1
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 2
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 3

Tiết mục Trống hội Thăng Long được trình diễn bởi 360 nghệ nhân, diễn viên. Ảnh: HN

Sân khấu thực cảnh tại Hồ Hoàn Kiếm trở thành bối cảnh hoàn hảo, tái hiện những nghi lễ, tín ngưỡng mang đậm bản sắc, dấu ấn vùng đất kinh kỳ. Từ tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Mẫu Tam Phủ - biểu tượng cho sức mạnh thiên nhiên, đến tín ngưỡng thờ Thánh Gióng, Hai Bà Trưng - những vị anh hùng dân tộc, biểu trưng cao đẹp nhất của lòng yêu nước. Những nghi lễ, tín ngưỡng này là niềm tin trường tồn, không thể tách rời khỏi đất và người Hà Nội.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính tại phần diễu hành giới thiệu các tín ngưỡng, cụ Nguyễn Đại Dục, người dân thị trấn Tây Đằng (Ba Vì), không giấu nổi niềm xúc động khi góp mặt ở sự kiện văn hóa trọng đại của Thủ đô. Cụ chia sẻ niềm tự hào được đứng trong đoàn rước tôn vinh Đức Thánh Tản Viên - một trong Tứ Bất Tử - khẳng định đây không chỉ là vinh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng khi có cơ hội giới thiệu về văn hóa, tín ngưỡng của quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, phần diễu hành cũng giới thiệu tín ngưỡng thờ Thăng Long Tứ Trấn thông qua hình ảnh đại diện là các ngôi đền thiêng của Thủ đô như Đền Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh. Đây là các tín ngưỡng đã tồn tại hàng ngàn năm, thể hiện sự tôn kính của người dân với các vị thần bảo hộ Thăng Long - Hà Nội. Sự xuất hiện của di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các làng khoa bảng như Hạ Yên Quyết, Đông Ngạc, Tây Mỗ, Nguyệt Áng, Phú Thị, Vân Điềm… càng tô đậm tinh thần hiếu học, quý trọng hiền tài của người dân Thủ đô.

Hà Nội không chỉ là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa vật thể mà còn là trung tâm của nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu. Những lễ hội, tín ngưỡng truyền thống gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần của người dân Thủ đô đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa dân gian Hà Nội.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 4
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 5
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 6

Diễu hành nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống tại Lễ hội Văn hóa vì hòa bình. Ảnh: HN

Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội: "Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình đặc biệt chú trọng vào việc tái hiện những nghi lễ, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian nhằm tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Qua các hoạt động diễu hành, trình diễn nghệ thuật, các di sản phi vật thể của Thủ đô được tái hiện một cách sống động, giúp khán giả không chỉ chiêm ngưỡng mà còn hiểu rõ hơn về ý nghĩa, giá trị tinh thần mà các thực hành này mang lại. Đây không chỉ là cách để Hà Nội gìn giữ di sản mà còn là dịp để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.

Bên cạnh các màn diễu hành tín ngưỡng, "Hà Nội - Dòng chảy di sản" còn mang đến những màn trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa như múa Giảo Long (Lệ Mật), múa Trống Bồng (Triều Khúc), Chèo tàu Tổng Gối (Tân Hội), múa rối (Đào Thục, Tế Tiêu, Bình Phú, Sài Sơn), hát xẩm, múa sênh tiền, ca trù, cồng chiêng của người Mường... Mỗi loại hình đều sở hữu nét riêng độc đáo, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa nghệ thuật và đời sống qua hàng trăm năm.

Khi các đoàn nghệ thuật truyền thống đi qua, sân khấu bên hồ Hoàn Kiếm trở nên rực rỡ, sống động hơn bao giờ hết. Không gian xanh mát của trái tim Thủ đô, hòa cùng tiếng trống chiêng vang vọng, tạo nên bức tranh văn hóa đầy cảm xúc. Những điệu thức uyển chuyển, trang phục truyền thống kỳ công, lộng lẫy của các nghệ nhân, diễn viên đã cuốn hút khán giả theo dõi sự kiện, tạo ra sự giao thoa tự nhiên giữa truyền thống và hơi thở đương đại.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 7
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 8
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 9

Các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô rất đa dạng và độc đáo. Ảnh: HN.

Hà Nội không chỉ nổi tiếng với danh xưng “thành phố di sản”, mà còn được biết đến là “đất trăm nghề” với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong số này, có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu. Thành phố tự hào sở hữu khoảng 70 không gian sáng tạo, 1.095 lễ hội văn hóa cộng đồng, tất cả đều mang đậm bản sắc của vùng đồng bằng sông Hồng, lưu giữ những câu chuyện lịch sử trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đặc sắc của Hà Nội còn thể hiện qua các làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm. Những sản phẩm từ các làng nghề không chỉ cho thấy giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng tinh hoa văn hóa, tâm huyết của các nghệ nhân.

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình, nhiều làng nghề truyền thống tại Hà Nội đã được giới thiệu đến người dân và bạn bè quốc tế, như làng gốm Bát Tràng, thêu Đông Cứu, tranh Hàng Trống, khảm trai Thôn Ngọ, mây tre đan Phú Vinh, mỹ nghệ Sơn Đồng, tò he Xuân La, sơn mài Hạ Thái, dệt Phù Xá, lụa Vạn Phúc, may Từ Thuận, nghề mộc Hương Ngải, trồng hoa Tây Tựu... Đồng thời, sự kiện còn giới thiệu các món ẩm thực đặc sắc, làm nên hương vị riêng của Thủ đô như giò chả Ước Lễ, bánh dày Quán Gánh, bánh cuốn Thanh Trì, bún Phú Đô, cốm Vòng, xôi Phú Thượng, miến So, kẹo lạc Đường Lâm… Mỗi làng nghề đều mang đến ngày hội những sản phẩm tinh túy, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và niềm đam mê của các nghệ nhân, thợ lành nghề.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 10
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 11
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 12

Sản phẩm từ các làng nghề chứa đựng tinh hoa văn hóa, tâm huyết của các nghệ nhân. Ảnh: HN

Các đoàn diễu hành đến từ các làng nghề đều được trang trí bắt mắt, nổi bật với những sản phẩm mang thương hiệu riêng. Hình ảnh những người thợ thủ công say sưa lao động đã tạo nên không gian văn hóa sống động, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, làm phong phú thêm giá trị văn hóa của Thủ đô nghìn tuổi.

Sự tham gia của thế hệ trẻ trong các làng nghề tại ngày hội không chỉ tạo kết nối bền vững với di sản mà còn khơi dậy niềm yêu thích, sự tự hào về nghề truyền thống, từ đó thúc đẩy sức sáng tạo trong các thực hành văn hóa tương lai.

Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 13
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 14
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình - Bài 2: Động lực bảo tồn và phát huy văn hóa Thủ đô ảnh 15

Hà Nội nổi tiếng với danh xưng “thành phố di sản” và “đất trăm nghề”. Ảnh: HN

Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình tiếp tục khẳng định vị thế văn hóa của Hà Nội, với các làng nghề đóng vai trò thiết yếu trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc. Sự kiện không chỉ làm phong phú thêm bức tranh văn hóa đa dạng của Thủ đô mà còn biến Hà Nội thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, nơi lưu giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Bình luận
Cho thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với Quang Linh Vlogs
Cho thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với Quang Linh Vlogs
(Ngày Nay) - Căn cứ Điều 20, Điều 33, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 4/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Quyết định về việc thôi Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 đối với ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), người Việt Nam ở Angola.
WHO bác thông tin về virus lạ ở Nga
WHO bác thông tin về virus lạ ở Nga
(Ngày Nay) - Người đứng đầu văn phòng WHO tại Nga, ông Batyr Berdyklychev, mới đây đã lên tiếng về một loại virus lạ gây triệu chứng ho ra máu ở nước này.
Cách đăng ký gian hàng Lễ hội Văn hóa Phật giáo tại Vesak 2025
Cách đăng ký gian hàng Lễ hội Văn hóa Phật giáo tại Vesak 2025
(Ngày Nay) - Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó ban Văn hóa Trung ương vừa ký phổ biến thư mời tham gia chào mừng Đại lễ Phật đản - Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, gửi các tự viện, cơ sở sản xuất - kinh doanh, đơn vị văn hóa Phật giáo, nghệ nhân, doanh nhân, đồng bào Phật tử.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chính thức bị bãi nhiệm
(Ngày Nay) - Theo Yonhap, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chính thức bị bãi nhiệm khi Tòa án Hiến pháp tuyên án chấp thuận động thái luận tội ông Yoon do liên quan đến việc ban bố lệnh thiết quân luật vào cuộc năm ngoái.
Washington để ngỏ cửa đàm phán thương mại với các nước
Washington để ngỏ cửa đàm phán thương mại với các nước
(Ngày Nay) - Trong một tuyên bố ngày 3/4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đàm phán với tất cả các đối tác thương mại lớn trên toàn thế giới về biện pháp giảm thuế quan mới được nhà lãnh đạo Mỹ công bố.
Linh hoạt thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ
Linh hoạt thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ
(Ngày Nay) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ; trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị đánh thuế đối ứng ở mức 46% đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng.