Hơn 2 năm qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của nhân dân.
Chống dịch hiệu quả, linh hoạt
Cuối tháng 12/2021, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện công nghệ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch trong toàn xã hội.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các địa phương thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, linh hoạt theo từng giai đoạn. Khi xuất hiện ca mắc mới, các địa phương tích cực triển khai ứng dụng nền tảng truy vết để xác định đúng nguồn lây, kịp thời khoanh vùng, dập dịch, tránh lây lan ra cộng đồng. Việc truy vết bằng công nghệ đã giúp các địa phương phát hiện ra những vấn đề mới, kịp thời kiến nghị với Chính phủ như vấn đề quản lý người mắc bệnh trong khi thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg.
Nhiều địa phương đã có sáng kiến nhằm thúc đẩy các nền tảng phòng, chống dịch COVID-19 như thành lập tổ công nghệ hỗ trợ, phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; đẩy mạnh sử dụng các nền tảng như BLUEZONE (nay là PC-COVID) và điểm kiểm soát người ra vào bằng mã QR, tăng cường tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, cập nhật thông tin sức khỏe…
Khi ứng dụng PC-COVID được triển khai, các địa phương đã nỗ lực phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để cập nhật kịp thời thông tin tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, giúp người dân thuận tiện trong tham gia các hoạt động. Ứng dụng này liên tục cập nhật thêm các tính năng để phát huy vai trò của ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, các tính năng chính của ứng dụng như cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; quét mã QR; khai báo y tế; khai báo di chuyển nội địa; phản ánh của người dân; thông tin tiêm vaccine; thông tin xét nghiệm; thẻ COVID-19, truy vết tiếp xúc gần; mật độ di chuyển; xu hướng lây nhiễm; bản đồ nguy cơ...
Đáng chú ý, PC-COVID liên tục được bổ sung các tính năng, tiện ích thuận lợi cho người dùng như cho phép người dùng có thể quét mã QR khi không có kết nối internet (offline), khai báo y tế, gửi phản ánh offline và khai báo y tế nhanh. Đầu tháng 2/2011, với các phiên bản dành cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và iOS phát hành hồi tháng 1/2022, các đơn vị phát triển đã bổ sung 2 tính năng mới "Tự khai mũi tiêm" và "Ví giấy tờ". Tính đến ngày 21/2/2022, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước đã có hơn 71.680.100 lượt cài đặt ứng dụng PC-COVID-19, trong đó có hơn 35,7 triệu ứng dụng đã có số điện thoại đăng ký.
Để đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 cũng như cập nhật các thông tin liên quan đến dịch, nhiều địa phương đã triển khai thông tin trên mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber, Tiktok…), nhắn tin di động, sử dụng âm báo gọi đến để tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19. Khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng, nhiều địa phương đã triển khai Tổng đài chăm sóc F0 tại nhà. Các “trợ lý ảo” đã gọi và tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi mỗi ngày để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe F0 điều trị tại nhà. Ngoài ra, các "trợ lý ảo" còn chủ động gọi cho F0 đang điều trị tại nhà để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, ghi nhận thông tin sức khỏe của F0.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chia sẻ ứng dụng công nghệ đã giúp tỉnh thực hiện phòng, chống dịch một cách hiệu quả, linh hoạt theo từng giai đoạn. Hiện nay các nền tảng quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, quản lý xét nghiệm, thống kê, nhập liệu thông tin cá nhân đã kịp thời phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Có thể thấy, việc phát huy tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch không chỉ góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh mà còn bảo đảm hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh truyền thông và hoàn thiện công nghệ hỗ trợ
Tổ chức Y tế Thế giới và các nhà khoa học, nhiều quốc gia nhận định, đại dịch COVID-19 có thể chưa được kiểm soát trong năm 2022, vẫn có nguy cơ xuất hiện các chủng mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Số ca mắc vẫn có thể tăng nhanh ngay cả khi người dân đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Trước nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát hiện sớm, ứng phó kịp thời, hiệu quả. Trong đó tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt các trường hợp đến, đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến thể mới làm một giải pháp được thực thi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu”, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ chương trình phòng, chống dịch bệnh gắn với phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Theo Báo cáo kết quả 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ vào loại cao nhất thế giới (96%). Việc phòng, chống dịch của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong thời gian tới, mục tiêu chống dịch của Việt Nam là bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác. Ngoài các biện pháp y tế để phòng, chống dịch, Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, thực hiện nguyên tắc 5 K + vaccine + thuốc + công nghệ thông tin + ý thức của người dân.
Trong việc đẩy mạnh truyền thông, công nghệ thông tin tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Theo đó, các đơn vị cần nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch; thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời nhằm tạo sự đồng thuận cho nhân dân. Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến công tác phòng, chống dịch của đất nước. Các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí cần ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng liên quan đến dịch COVID-19.
Song song với đó, ngành công nghệ thông tin và truyền thông cần triển khai thống nhất và có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo và chia sẻ thông tin phục vụ phòng, chống dịch; tăng cường sử dụng công nghệ để quản lý hiệu quả việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa và quản lý xuất, nhập cảnh phù hợp với quy định của quốc tế. Các đơn vị công nghệ thông tin cần xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu; liên thông dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, xác thực thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thúc đẩy chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia.