Tập trung chăm lo cho người có công
Thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo cho người có công. Bà Nguyễn Thị Loan, Phó trưởng Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố Hòa Bình cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 1.621 người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Phòng chủ động tham mưu với UBND thành phố, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường thực hiện chế độ, chính sách cho người có công kịp thời.
Theo bà Nguyễn Thị Loan, từ năm 2022 đến nay, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hướng dẫn, giúp đỡ hộ gia đình người có công, thân nhân liệt sỹ làm căn cước công dân, mở tài khoản ngân hàng. Đến nay, trên 96% người có công trên địa bàn thành phố được đảm bảo về kích hoạt mã định danh điện tử để chi trả chế độ qua tài khoản kịp thời hằng tháng.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hòa Bình, tháng 6/2024, thành phố trích Quỹ “ Đền ơn - đáp nghĩa” hơn 300 triệu đồng tặng người có công. Trong đó, tặng 233 suất quà, hỗ trợ 120 triệu đồng xây dựng nhà ở cho 4 hộ và 30 triệu đồng sửa chữa nhà cho 2 hộ. Ban Chỉ đạo phong trào “Đền ơn - đáp nghĩa” thành phố tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 100 người có công, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 1.875 người...
Ông Lê Đức Lợi, tổ 4, phường Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình là thương binh hạng 4/4, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin chia sẻ, tháng 2/1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước và Vĩnh Long. Cuối năm 1969, ông bị thương nặng phải chuyển ra Bắc và đến cuối năm 1970 trở về quê hương. Những năm tháng khó khăn đã qua, nay được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm ông cảm thấy rất ấm lòng.
Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình cho biết, ngoài trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần chi trả đầy đủ, kịp thời, các chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong y tế, giáo dục đào tạo, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm luôn được địa phương chú trọng, thực hiện tương đối toàn diện.
Đến nay, tỉnh xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho gần 40 nghìn người có công và thân nhân liệt sỹ. Trong đó, đang thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 7.310 người có công và thân nhân; giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho trên 12 nghìn trường hợp, hơn 3.200 người có công, thân nhân liệt sỹ được điều dưỡng, phục hồi sức khỏe và tặng 50.000 suất quà dịp 27/7, Tết Nguyên đán với kinh phí trên 15 tỷ đồng.
Tỉnh Hòa Bình đang tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động trọng tâm nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7), Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin (10/8) và chăm lo sức khỏe của người có công như: Thăm hỏi, tặng quà các đơn vị lực lượng vũ trang, gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chuyển quà tặng của Chủ tịch nước và UBND tỉnh đến hơn 20 nghìn lượt trường hợp chính sách, người có công trong tỉnh.
Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh vận động ủng hộ trên 5 tỷ đồng. Nguồn quỹ hỗ trợ tích cực vào việc chăm sóc đời sống, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công. Đồng thời cải tạo, tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.
Ông Bùi Mạnh Cường cho biết thêm, với mục tiêu hướng đến toàn bộ người có công, thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, Sở đẩy mạnh công tác xã hội hóa, rà soát trường hợp người có công còn khó khăn để có kế hoạch huy động nguồn lực giúp đỡ, phấn đấu không còn hộ gia đình người có công thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sỹ; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công và chính sách hậu phương quân đội ở địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có trên 99% hộ gia đình người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
Nâng cao mức sống của người có công
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), tỉnh Bình Dương dự kiến thăm hỏi, tặng quà cho người có công trên địa tỉnh với tổng số tiền 21,237 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 2.219 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 22 mẹ còn sống, 16.858 liệt sỹ, 6.236 thương bệnh binh và trên 38.800 người khác được công nhận có công giúp đỡ cách mạng. Mỗi tháng, tỉnh chi trả trợ cấp cho trên 7.000 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng.
Năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành hai nghị quyết về chính sách hỗ trợ người có công. Ngoài chế độ trợ cấp từ Trung ương, Bình Dương hỗ trợ thêm cho hơn 6.000 người có công với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng hằng tháng.
Năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công. Đến nay, tỉnh xây dựng và sửa chữa trên 6.669 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí hơn 149 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Ngọc Hằng cho biết, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn quan tâm đến công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nhiều hoạt động tri ân và chăm sóc người có công với nước.
Tỉnh phối hợp hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ gia đình chính sách.
Bình Dương có kế hoạch thực hiện các chính sách đảm bảo người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở cùng địa phương nơi cư trú...
Các tổ chức và cá nhân cũng được vận động phụng dưỡng suốt đời 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống với mức phụng dưỡng hằng tháng từ 1.000.000 đồng trở lên. Mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương binh nặng được chăm sóc sức khỏe theo chế độ khám chữa bệnh của tỉnh.