Vào ngày 28/5, một bé gái sống ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bị đau bụng và không thể ăn uống được gì. Cha mẹ cô bé thấy vậy đã vội vàng đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi bác sĩ trò chuyện và không tìm ra nguyên nhân cụ thể, họ đã đưa bé gái vào phòng chụp CT scan. Khi cầm kết quả trong tay, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng.
Có rất nhiều quả bóng hình cầu nhỏ chen chúc bất thường trong bụng bé gái 14 tuổi. Bác sĩ kết luận đây chính là các hạt trân châu trong trà sữa - một loại đồ uống đang rất được giới trẻ yêu thích.
Sau khi gặng hỏi, bé gái cuối cùng đã thừa nhận bản thân rất mê trà sữa trân châu và vào 5 ngày trước đã uống sản phẩm này nhưng không chịu nói ra cụ thể số lượng đã dùng. Cuối cùng, cô bé được kê một vài loại thuốc nhuận tràng để trị bệnh.
Ảnh chụp cho thấy có rất nhiều hạt trân châu bị kẹt trong bụng bệnh nhi |
Qua trường hợp này bác sĩ cho biết, việc nạp quá nhiều trà sữa trân châu sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Ngoài việc trà sữa được pha chế từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hạt trân châu được cho thêm vào có thành phần chính là bột sắn, thực sự rất khó tiêu hóa nếu ăn số lượng lớn.
Ngoài ra, một số cửa hàng có thể thêm chất làm đặc và chất bảo quản vào trân châu, và việc tiêu thụ liên tục các thành phần như vậy có thể dẫn đến rối loạn chức năng dạ dày-ruột.
Những tác hại tiềm ần từ trà sữa trân châu:
- Gây béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng:
Ở nhiều cửa hàng, trà sữa trân châu được tạo thành từ kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu chế tác thành. Đây là nguyên nhân khiến đồ uống này chứa đựng một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều rất không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, thành phần hạt trân châu chủ yếu là tinh bột, đường, hương liệu thực phẩm,... ngoài tác hại xấu với sức khỏe, nếu dùng không đúng cách rất dễ gây hóc chết người, đặc biệt với trẻ nhỏ.
- Hại gan, thận
Vì tăng lợi nhuận, khi pha chế trà sữa trân châu sẽ dùng bột màu và hương liệu sản xuất từ các chất tổng hợp hóa học. Nếu các thành phần nguy hại không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng không thường xuyên sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung. Ngược lại, nếu tiêu thụ đều đặn trong thời gian dài sẽ tạo gánh nặng cho gan, thận khi đào thải chất độc.
- Ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa:
Một cốc trà sữa có chừng 20-30 viên trân châu, nhưng vì có đặc tính dẻo dai và sử dụng ống hút cỡ lớn nên khá nhiều hạt trong số đó bị nuốt chửng.
Khi vào dạ dày với đặc tính kết dính cao, các hạt trân châu sẽ gây ra tình trạng khó tiêu, ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa. Trong nhiều trường hợp, các hạt chân trâu dính lại với nhau thành một khối gây ra tắc ruột, phải can thiệp bằng phẫu thuật.