Núi Rainier, từng được ghi nhận cao 4.392 mét, hiện đã giảm 3 mét kể từ năm 1998. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do chỏm băng cổ xưa trên đỉnh Columbia Crest của núi Rainier đã tan chảy gần 6,7 mét.
Sự gia tăng khí thải nhiên liệu hóa thạch và biến đổi khí hậu có thể là những yếu tố đã góp phần làm tan chảy lượng băng này. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng núi Rainier đã mất 42% lượng băng trên sông băng (một khối băng lâu năm hình thành khi lượng tuyết tích tụ vượt quá lượng băng tan trong nhiều năm, thường là nhiều thế kỷ) trong vòng 120 năm qua.
Núi Rainier nổi tiếng là ngọn núi lửa cao nhất tại khu vực lục địa Mỹ và sở hữu hệ thống hang động băng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, phát hiện của Erick Gilbertson, một nhà leo núi và kỹ sư cơ khí, vào ngày 28/8 đã thay đổi cách nhìn bao quát về cảnh quan vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.
“Vùng đỉnh núi Rainier có một vành miệng núi lửa lộ ra lớp đá vào mỗi mùa hè, nhưng về phương diện lịch sử thì luôn có một vòm băng vĩnh viễn ở rìa phía Tây của vành miệng,” Gilbertson chia sẻ trong một bài đăng trên blog.
Núi Rainier được đo lần đầu tiên vào năm 1914 và Columbia Crest được coi là đỉnh núi cao nhất của bang Washington vào năm 1956. Tuy nhiên, các phép đo mới của Gilbertson cho thấy Columbia Crest đã không còn giữ vị trí cao nhất vào năm 2014 khi bị vành miệng núi lửa ở phía Tây Nam vượt qua với độ cao 4.389 mét.
Chiều cao của các đỉnh núi ở Washington biến đổi quanh năm, khi băng tích tụ vào mùa đông và tan chảy vào mùa hè, điều này khiến việc khảo sát độ cao của các đỉnh núi vào thời điểm băng tan nhiều nhất là điều rất quan trọng.