Đó là những cảnh báo của các bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra sau khi bệnh viện liên tục tiếp nhận, cấp cứu cho các trường hợp bị biến chứng sau đái tháo đường (ĐTĐ).
Các bác sỹ cho biết, thời gian vừa qua, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp tự ý chữa ĐTĐ bằng các bài thuốc dân gian, sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên thị trường. Những sản phẩm này không những không cải thiện được tình trạng viêm loét mà còn dẫn đến nguy cơ dị ứng khiến vết loét lan rộng khó chữa trị, nhiều trường hợp phải cắt cụt chi, thậm chí đã có không ít ca bệnh tử vong.
Gần đây nhất là trường hợp một thanh niên 28 tuổi ở Phú Thọ bị loét hoại tử bàn chân trái nặng nề. Chàng trai này có có tiền sử mắc ĐTĐ typ 1 suốt 12 năm, điều trị insulin nhưng bệnh nhân không tái khám thường xuyên và theo dõi mà điều trị theo đơn từ trước đó rất lâu. Trước khi đến bệnh viện khoảng 1 tháng, thanh niên này bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái, không gẫy xương.
Sau vài ngày vết thương xây xát ngày càng lan rộng, sâu toàn bộ chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, bàn chân bắt đầu sưng tấy nhiều, đau nhức, mất cảm giác. Mặc dù xuất hiện tình trạng trên nhưng bệnh nhân đã không tới bệnh viện để khám và kiểm tra ngay mà tự ý ở nhà điều trị bằng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc; đồng thời sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết xây xát khiến cho tình trạng vết thương ngày càng lan rộng. Đến khi thấy cơ thể ngày mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới được đưa đi khám, do bệnh nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu trong tình trạng xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, cơ thể mệt mỏi, da niêm mạc nhợt nhạt, sốt cao, vết thương ở mu bàn chân hoại tử lan rộng, chảy dịch… bác sỹ nhận định dù có được điều trị tích cực thì ca bệnh này cũng khó giữ được chân.
Vào đầu tháng 2/2019 các bác sỹ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng tiếp nhận ca bệnh biến chứng loét diện rộng vùng ngực, cổ do biến chứng ĐTĐ. Bệnh nhân nữ, 66 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội nhập viện trong tình trạng vùng mang tai xuất hiện vết thương hở lan rộng dưới cằm, cổ, sưng tấy đỏ, nhiều vị trí hở lớn, chảy mủ. Nguyên nhân do bệnh nhân tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ typ 2 cách đây 10 năm, đang điều trị insulin hàng ngày.
ThS-bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân khuyến cáo: Đối với những người đang mắc ĐTĐ cần thường xuyên tái khám, điều trị đơn thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ.
Khi xuất hiện các vết xây xát trên cơ thể không được tự ý điều trị tại nhà mà người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi. Đặc biệt, người bệnh khi bị các vết xây xước-nhất là ở chân cũng tuyệt đối không được tự ý đắp lá và dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sỹ.