TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ không ghi nhận tổn thương trên bề mặt da hay dấu hiệu bất thường về hô hấp, tiêu hóa. Tuy nhiên, qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện các tổn thương có kích thước lớn dạng áp xe tại đùi trái và màng phổi phải. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô tế bào đùi trái áp xe hóa, tràn dịch màng phổi do ấu trùng giun lươn lạc chỗ.
Sau quá trình điều trị, sức khỏe người bệnh đã bình phục tốt, các tổn thương cải thiện không cần sử dụng kháng sinh và can thiệp ngoại khoa.
Theo BS Hùng, bệnh giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành. Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.
Khi nhiễm giun lươn ở dạng mạn tính, không có biến chứng, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng. Các biểu hiện thường gặp là ở da có những đường ngoằn ngoèo do ấu trùng di chuyển, thường ở vị trí ngang thắt lưng, quanh hậu môn… Xuất hiện các vết bầm máu (khoảng 3 - 4cm) rải rác ở các chi, thân mình và nổi mề đay; biểu hiện ở đường tiêu hóa là thường đau bụng vùng trên rốn và vùng bên phải, tiêu chảy, ngứa hậu môn, sụt cân nhẹ, đầy hơi, trướng bụng, phân hôi tanh… Diễn tiến nặng sẽ gây ra những biến chứng phức tạp gây tắc ruột, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không được chẩn đoán kịp thời, có thể tử vong.
Để tránh nguy cơ nhiễm giun lươn và các loại giun sán ký sinh trong cơ thể, bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ăn chín, uống sôi, khi làm việc hoặc tiếp xúc với vùng đất phơi nhiễm phân người cần phải mang dụng cụ bảo hộ lao động.
Việc điều trị cho những ca bệnh nhiễm giun lươn, ký sinh trùng nói chung thường tốn nhiều thời gian, tuy nhiên, cộng đồng có thể phòng ngừa hiệu quả bằng việc xổ giun định kỳ mỗi năm 2 lần.