Bà nội trợ Susana Barrio cho biết bản thân không còn mời bạn bè đến dự bữa tiệc nướng asado truyền thống, vốn là một phần quan trọng trong đời sống xã hội ở Argentina.
“Chúng tôi phải loại bỏ những thứ khiến cuộc sống tươi sáng hơn một chút. Niềm vui khi được mời bạn bè đến ăn thịt nướng giờ đây là không thể", bà nội trợ 79 tuổi chia sẻ.
Lạm phát tại Argentina có thể lên tới 200% vào năm 2023, một trong những mức cao nhất thế giới. Chi phí hàng hóa tăng đặc biệt nhanh, ảnh hưởng đến ví tiền của người dân do tiền lương và lương hưu không theo kịp.
Một cuộc thăm dò ý kiến chuyên gia cho thấy lạm phát có thể ở mức khoảng 28% trong tháng 12 vừa qua, với giá lương thực thậm chí còn tăng cao hơn sau khi đồng peso mất giá mạnh.
Trong khi lạm phát cao đã đeo bám Argentina suốt nhiều năm, tốc độ tăng giá hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1990, khi nước này đang thoát khỏi thời kỳ siêu lạm phát.
“Mọi người hoàn toàn không nắm được giá cả”, theo Guillermo Cabral, chủ một cửa hàng bán thịt ở thủ đô Buenos Aires. Có lúc, ông Cabral còn tính tiền nhầm cho khách, từ 15.000 peso lên 35.000 peso (1,05 triệu đồng).
"Vậy nhưng vị khách ấy vẫn rút ví ra trả như thường", ông Cabral kể.
Tân Tổng thống Javier Milei đang tìm cách áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng cứng rắn để giảm lạm phát, giảm thâm hụt tài chính sâu sắc và xây dựng lại kho bạc chính phủ.
Nhưng ông Milei, người mới nhậm chức được 1 tháng, đã cảnh báo rằng sẽ mất thời gian và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi đi vào quỹ đạo ổn định. Nhiều người Argentina đang thắt lưng buộc bụng hơn nữa, với 2/5 số người được hỏi cho biết đã rơi vào tình trạng nghèo đói.
“Không có gì rẻ cả", bà Graciela Bravo, một người về hưu 65 tuổi, cho biết bà đang cẩn thận đếm xem mình đã mua bao nhiêu củ khoai tây. “Trước đây tôi mua theo cân, bây giờ tôi lấy 3-4 củ để khỏi bị hỏng”.
Luật sư 49 tuổi Alejandro Grossi cho biết ông đã quá quen với việc giá cả tăng cao sau nhiều năm lạm phát.
"Tôi mua ít thứ cho bản thân hơn mức tôi muốn. Có vẻ như chúng tôi đã quen với điều đó, ở đây đã có một điều gì đó hết sức tự nhiên: lạm phát và thay đổi giá cả", ông Grossi nói.