Chiến sự nổ ra khiến El Jamara chỉ lo được cho các con ít nhất một bữa mỗi ngày, đó là chưa kể cô phải chăm sóc cho chồng mình, một bệnh nhân ung thư và tiểu đường.
"Lũ trẻ ngày càng yếu. Chúng bị tiêu chảy còn nước da thì vàng vọt", El Jamara nói. “Con gái 17 tuổi của tôi luôn cảm thấy chóng mặt, còn chồng tôi chẳng thể ăn gì".
Khi Gaza rơi vào nạn đói toàn diện, nhiều ông bố bà mẹ cam chịu cảnh nhịn đói để nhường bữa ăn cho các con. Đó là chưa kể họ không còn nước sạch để uống.
Khi xe cứu trợ đỗ lại một khu đất, người dân chen lấn nhau để giành lấy nhu yếu phẩm. Trẻ em sống trên đường phố khóc lóc và tranh nhau miếng bánh mì thiu. Hàng đoàn người đã phải đi bộ hàng giờ trong giá lạnh để tìm kiếm thức ăn do bị buộc phải dời bỏ nhà cửa.
Arif Husain, nhà kinh tế trưởng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết ngay cả trước chiến tranh, cứ ba người ở Gaza thì có hai người sống dựa vào trợ cấp lương thực.
Theo thang Phân loại Giai đoạn Dinh dưỡng và An ninh Thực phẩm Tích hợp (IPC), cuộc bắn phá và bao vây của Israel kể từ ngày 7/10 đã làm giảm đáng kể nguồn cung thiết yếu ở Gaza, khiến khoảng 2,2 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Ông Martin Griffiths, giám đốc cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng phần lớn trong số 400.000 người Gaza có nguy cơ chết đói.
Trong hơn 100 ngày, người Palestine ở Gaza đã phải bỏ nhà cửa để tránh bom đạn, các khu dân cư biến thành tro bụi và đống đổ nát, nhiều gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh. Hiện nay nạn đói và mất nước là mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của người dân Gaza.
El Jamara, bà mẹ ở Rafah, nói: “Chúng tôi đang chết dần. Tôi nghĩ chết vì bom còn tốt hơn, ít nhất chúng tôi cũng là liệt sĩ. Nhưng bây giờ chúng tôi đang chết vì đói khát".
Theo Bộ Y tế Gaza, các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10 đã giết chết ít nhất 26.637 người Palestine và làm bị thương 65.387 người khác.
Việc Israel phong tỏa và hạn chế vận chuyển hàng hóa đồng nghĩa với việc lượng hàng viện trợ đang ở mức cực kỳ thấp, đẩy giá cả lên cao và khiến người dân trên khắp Gaza không thể tiếp cận được thực phẩm.
Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng thiếu hụt thậm chí còn tồi tệ hơn ở các khu vực phía bắc, nơi Israel tập trung tấn công quân sự trong những ngày đầu của cuộc chiến.
Mohammed Hamouda, một nhà vật lý trị liệu trú ẩn tại Rafah, không quên nổi tình cảnh khốn cùng của người dân ở phía bắc Gaza.
“Thật không may, nhiều người thân và bạn bè của tôi vẫn đang ở phía bắc Gaza. Họ phải ăn cỏ và uống nước bẩn", Hamouda nói.