Phát biểu tại Diễn đàn CEO Châu Phi, ông Dangote cho biết: “Tôi là một doanh nhân có tham vọng làm cho châu Phi trở nên vĩ đại hơn, tuy nhiên ước mơ đó lại bị giới hạn bởi 35 loại thị thực khác nhau”.
“Đối với tôi, thời gian quý giá nên được dùng để kinh doanh hơn là để đi nộp hộ chiếu tại đại sứ quán để xin thị thực,” ông Dangote cười.
Những rắc rối về thị thực của doanh nhân 67 tuổi đã khơi dậy một làn sóng bày tỏ sự thất vọng của người dân châu Phi khi đi du lịch trong châu lục này.
Điều gây phẫn nộ hơn là hộ chiếu châu Âu ở các thuộc địa cũ lại được miễn thị thực ở châu Phi nhiều hơn hộ chiếu châu Phi chính gốc. Đó là quan điểm mà ông Dangote đã đưa ra tại diễn đàn.
Ông không ngần ngại nói với giám đốc điều hành người Pháp cũng có mặt tại đó: “Tôi có thể đảm bảo với anh rằng anh không cần xin 35 thị thực trên tấm hộ chiếu Pháp của mình và tất nhiên anh có thể đi lại tự do hơn tôi ở châu Phi.”
Năm 2023, Rwanda đã loại bỏ thị thực cho tất cả công dân châu Phi. Sau đó, tất cả người dân tại châu lục này cũng được miễn thị thực khi đến Benin, Gambia và Seychelles.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Phi vẫn yêu cầu thị thực từ công dân tại Lục địa Đen, quá trình này bị lên án là đầy rẫy sự phân biệt đối xử với mức phí cao ngất ngưởng.
Tayo Aina, nhà làm phim du lịch người Nigeria, cho biết anh bị buộc phải lấy mẫu phân trước mặt một nhân viên sân bay để xác nhận rằng anh không hề sử dụng bất kỳ loại chất kích thích nào khi nhập cảnh tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào tháng 4/2021.
“Đó là trải nghiệm nhục nhã nhất của tôi khi đi du lịch ở Châu Phi,” anh bức xúc nói. Sau đó, anh Aina cũng bị tạm giữ tại các sân bay ở Kenya và Nam Phi vì những vấn đề liên quan đến hộ chiếu Nigeria của mình.
Năm nay, Aina cho biết anh đã xin cấp hộ chiếu St. Kitts và Nevis (một quốc gia ở Bắc Mỹ) với giá 150.000 USD để có thể đi lại tự do hơn.
Một trong những mục tiêu Liên minh châu Phi hướng đến là xóa bỏ “những hạn chế đối với khả năng đi lại, làm việc và sinh sống của người châu Phi trong lục địa bằng cách thay đổi các luật hạn chế và thúc đẩy việc đi lại miễn thị thực”. Di chuyển tự do trong lục địa này là một phần quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Lục địa châu Phi. Tuy nhiên, việc tuân thủ và thực hiện Hiệp định đang diễn ra chậm chạp.
Nhà nghiên cứu Alan Hirsch nhận định nỗi lo sợ về việc di cư lâu dài là một trong những lý do khiến các quốc gia châu Phi không tạo điều kiện cho tất cả công dân châu Phi tự do đi lại.
“Các nước châu Phi có điều kiện kinh tế hơn lo ngại người dân từ các nước nghèo hơn có thể tìm cách di cư đến đất nước của họ và ở lại vĩnh viễn”, ông giải thích. “Rất nhiều người châu Phi vượt biên bất hợp pháp. Một số khác nộp đơn xin tị nạn và sau đó chính phủ không thể tìm thấy họ.”
Mặc dù người châu Phi có thể di chuyển tương đối tự do trong khu vực của họ nhưng việc đi xa hơn như trong châu lục vẫn là một thách thức. Du khách đến từ các quốc gia thuộc Cộng đồng Đông Phi không cần thị thực trong khối, hầu hết các khu vực ở Nam và Tây Phi đều mở cửa cho công dân đến từ khu vực của họ.
Tuy nhiên, ngay cả những gì tiến bộ cũng có thể gây ra một số trở ngại mới. Thị thực nhập cảnh Nigeria trước đây có giá 25 USD đối với người mang hộ chiếu Kenya. Nhưng kể từ khi áp dụng những thay đổi mới, giờ đây người Kenya phải nộp đơn xin thị thực điện tử trước cho Nigeria với chi phí 215 USD/người.
Tổng thống Kenya đã khẳng định sẽ loại bỏ thị thực cho tất cả mọi người đi du lịch tới quốc gia Đông Phi này. Ông giới thiệu Giấy phép Du lịch Điện tử có quy trình nộp đơn tương tự như quy trình cấp thị thực. Giấy phép này có giá 30 USD không tính phí xử lý và quá trình phê duyệt có thể mất vài ngày.
Nhiều đơn xin thị thực tại châu Phi yêu cầu phải có mẫu đơn, sao kê ngân hàng, minh chứng đặt vé máy bay và khách sạn. Người nộp đơn thường bị từ chối vì tài liệu không đầy đủ hoặc vì lý do không rõ ràng.