Sự cần mẫn, ham học hỏi và trí tuệ đã đưa nhà báo - người nghiên cứu lý luận trẻ của Đảng, từ một biên tập viên Tạp chí Học tập, sau này là Tạp chí Cộng sản, trở thành người lãnh đạo tạp chí và dần trở thành cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam với 7 khóa tham gia Ban Chấp hành Trung ương, 6 khóa là Ủy viên Bộ Chính trị, 4 cương vị chủ chốt của Đảng và quốc gia thì ông giữ đến 3.
Hệ thống lý luận Nguyễn Phú Trọng là kho báu của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc ta và Nhân dân Việt Nam.
Nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sảnNgười cựu sinh viên Ngữ văn, nhà lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, vị lãnh tụ của Đảng đã kế thừa các bậc tiền nhiệm và xây dựng nên hệ thống lý luận và hoạt động thực tiễn đậm chất nhân văn về một hình mẫu CNXH ở Việt Nam là đem lại độc lập cho Dân tộc, dân quyền cho Nhân dân, hạnh phúc cho Đồng bào và đó coi những tiêu chuẩn đó chính là thước đo về sự trưởng thành của CNXH ở Việt Nam.
Di sản của Ông là “Hệ thống lý luận Nguyễn Phú Trọng”, là một đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Còn với Nhân dân, điều dễ thấy, dễ cảm, đặc biệt gần gũi là tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua tấm gương của Ông, họ thêm tin tưởng vào Đảng và thấy mình cần phải noi gương để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo người Tổng Bí thư vừa rời xa họ vào thế giới người hiền.
Người dân xếp hàng dài chờ được tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh TTXVN) |
Nhiều người dân đã vượt đường xa, sẵn sàng chờ gần trọn một ngày với mưa nắng thất thường để chia tay Ông lần cuối tại Nhà tang lễ Quốc gia, tại làng Lại Đà (xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) quê ông, hay Hội trường Thống Nhất (TP.HCM).
Người dân khóc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh TTXVN) |
Họ đã tận mắt chứng kiến sự thanh bạch từ ngôi nhà ba gian của gia đình ông, của ngôi nhà thờ khiêm nhường của dòng họ Nguyễn Phú.
Những người bạn đến Nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được tận mắt nhìn thấy chiếc xe ô tô mà Ông sử dụng lại từ vị lãnh đạo trước, đã có tuổi đời 35 năm và 20 năm ròng rã gắn bó với Ông.
Qua hình ảnh chiếc xe này, người dân càng hiểu hơn về những câu chuyện của các bạn học của Ông từ thuở ấu thơ đến những năm đại học, những người thầy của Ông, những người hàng xóm từ khi ông còn là một người cán bộ của Tạp chí Cộng sản… về đức tính khiêm nhường, giản dị của người giữ chức vụ cao nhất của Đảng, của Quốc hội, Nhà nước.
Trong lần họp lớp cách đây 2 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui vẻ gặp gỡ bạn bè và hẹn "chúng ta họp nhiều lần hơn nữa, già rồi còn mấy đâu". |
Ngay cả khi đau ốm, cốt cách của người bệnh nhân tuân thủ chỉ định của bác sĩ từ phác đồ điều trị đến chế độ dinh dưỡng của các điều dưỡng với cách dùng từ dí dỏm của ông: "Tuân chỉ!", hay đặt cho họ những cái tên vui với cái họ "Hà Khắc…" Ông lạc quan và tuân thủ để có sức khỏe cống hiến cho Đảng, cho Dân đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Ngay cả khi mất đi, ông cũng chọn cho mình nơi yên nghỉ theo chế độ cùng các vị lãnh tụ nổi tiếng của thế hệ trước nơi nghĩa trang Mai Dịch.
"Tổng Bí thư ra đi, tôi và cả triệu người dân Việt đều chung nỗi buồn. Tôi cùng một số người bạn có mặt từ sớm, chuẩn bị sẵn căn cước công dân, xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư. Dù xếp hàng chờ bao lâu chúng tôi cũng đợi. Tổng Bí thư đã một đời hy sinh cho Nhân dân, chúng tôi có chờ vài tiếng cũng không sao".
Bà Nguyễn Thị Dung (71 tuổi, Hà Nội)
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đã kể rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tâm đắc với câu kinh Pháp cú 103 của Đức Phật: Dẫu thắng ngàn quân địch, không bằng thắng chính mình.
Ông đã chiến thắng chính mình đầy quang vinh trước những cám dỗ, bằng đạo đức cách mạng trong sáng, khẳng định một nhân cách lớn, coi “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất,” giữ vững nguyên tắc, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân. Phẩm cách Con người, phẩm cách của người Cộng sản, phẩm cách của Nhà văn hóa trong Ông luôn rực sáng, trở thành lửa đốt cháy những kẻ tham nhũng, những tên phản bội lại lý tưởng cộng sản.
Ngày hôm nay, nhân dân cả nước tiễn biệt Ông về "thế giới người hiền", và mãi mãi tin rằng, những di sản của Ông sống mãi trong lòng dân, trong trái tim người Việt.