Đây được cho là cách ứng xử kỳ thị và bất bình đẳng với người khuyết tật. Việc “làm khó” này cũng từng xảy ra cách đây 1 năm. Tháng 9/2016, ông P.V.H - chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, có nhiều người khuyết tật làm việc đã cùng 4 nhân viên khuyết tật đến một chi nhánh Vietcombank tại Hà Nội để thực hiện thủ tục mở thẻ ATM. Dù mang đầy đủ hồ sơ và có trình bày với ngân hàng về việc đây là những người khuyết tật nhưng cả 4 khách hàng trên đều bị từ chối mở thẻ ATM với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự theo luật định.
Lý do giải thích mà phía Vietcombank TP HCM đưa ra là do người khiếm thị không nhìn thấy chứng từ giao dịch hay số tiền rút khi giao dịch tại quầy mà giao dịch rút tiền tại quầy cần chữ ký, trong khi người khiếm thị không ký được chứng từ thì khó xác thực số trên chứng từ và số tiền nhận có khớp hay không. Ngân hàng yêu cầu người khiếm thị khi mở thẻ phải có người giám hộ là để đảm bảo an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng.
Trao đổi với báo chí, ca sĩ Hà Văn Đông khẳng định: “Tuy khiếm thị nhưng người khiếm thị như chúng tôi không mất năng lực hành vi dân sự. Tôi xoay xở làm được mọi việc trong cuộc sống của mình…”.
Theo luật sư Đặng Hữu Anh - Đoàn Luật sư Hà Nội, quy định của Luật Dân sự 2005, những người khuyết tật bị khiếm thị không nằm trong diện mất hoặc không có năng lực hành vi dân sự. Luật quy định người dưới 18 tuổi, bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể ý thức, làm chủ được hành vi (đã được toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự), người nghiện ma tuý, nghiện chất kích thích… mới là những người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng không liệt người khuyết tật khiếm thị vào diện những đối tượng không được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Chưa kể, yêu cầu người khiếm thị khi mở thẻ phải có người giám hộ sẽ gây không ít phiền hà, bất tiện. Người giám hộ sẽ có quyền trước pháp luật và hạn chế quyền lợi của người khiếm thị. Người khiếm thị dù là chủ thẻ nhưng “phải có sự đồng ý của người khác” để rút tiền của chính mình. Người giám hộ (cha, mẹ, anh, chị…) sẽ có toàn quyền rút tiền trong tài khoản mà mình “giám hộ”.
Như vậy, nếu người khiếm thị đi làm, nhận lương mà người giám hộ muốn lấy khoản tiền này thì họ hoàn toàn có quyền hợp pháp để rút và người khiếm thị có thể rơi vào tình cảnh… trắng tay. Lúc này, sự an toàn của người khiếm thị có nguy cơ cao hơn. Còn với những rủi ro khác như mất mật khẩu, mất thẻ, mất tiền… thì ngay cả những người bình thường sử dụng thẻ ATM hay internet banking cũng có thể gặp phải, không riêng gì người khiếm thị.
Theo ông Lê Bính, một hội viên khiếm thị quận Thanh Xuân, Hà Nội, ông thường sử dụng thẻ ATM theo 2 cách thông thường: Một, đến ngân hàng và nhờ nhân viên ngân hàng hay bảo vệ giúp rút tiền tại cây ATM. Hai, đi cùng với con cháu, bạn bè là người tin tưởng và không phải người giám hộ, miễn là người đáng tin.
Anh Phạm Trường Sơn - Giám đốc các hoạt động cộng đồng của Trung tâm sáng kiến phát triển cộng đồng LIN, tổ chức nhiệt tình trong các hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật cho biết, ở góc độ nhân quyền, người khuyết tật và người không khuyết tật đều có quyền như nhau, ngân hàng từ chối, dù là để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thì họ đã không tiếp cận khách hàng dựa trên quyền đã được luật hóa trong Luật khuyết tật của Việt Nam. Các ngân hàng phải có một phương pháp hay quy trình dành cho khách hàng khuyết tật, thay vì từ chối.
Tổng hợp