Ông Assange hạ cánh tại sân bay Canberra hôm thứ Tư, vẫy tay chào giới truyền thông và đám đông, trước khi hôn vợ mình rồi cùng đội ngũ pháp lý vào sân bay.
Người đàn ông 52 tuổi này vẫn chưa công khai lên tiếng kể từ khi được trả tự do và cũng không xuất hiện tại cuộc họp báo của Wikileaks được tổ chức tại một khách sạn ở Canberra. Bà Stella Assange, vợ ông, cho biết còn quá sớm để nói chồng mình sẽ quyết định sẽ làm gì sau khi trở về quê nhà.
“Julian cần thời gian để hồi phục, làm quen với tự do”, bà Assange nói. "Tôi muốn Julian có không gian đó để khám phá lại sự tự do đó".
Thủ tướng Australia Anthony Albanese, người đã vận động nhiều năm để trả tự do cho Assange, cho biết ông đã nói chuyện với người sáng lập Wikileaks qua điện thoại sau khi máy bay hạ cánh.
“Tôi đã có một cuộc thảo luận rất nồng nhiệt với ông ấy. Ông ấy đã khen ngợi những nỗ lực của chính phủ Australia”, Thủ trướng Albanese phát biểu trong một cuộc họp báo . “Chính phủ Australia đứng ra bảo vệ công dân Australia, đó là những gì chúng tôi làm".
Hành trình hồi hương của ông Assange đã kết thúc chuỗi ngày ngồi kéo dài hơn 5 năm tại Anh và 7 năm trời tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London để tránh việc bị dẫn độ sang Thụy Điển và Mỹ.
Trước đó, trang WikiLeaks đã công bố hàng trăm nghìn tài liệu quân sự mật của Mỹ về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq vào năm 2010. Đây là một trong những vụ vi phạm thông tin mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Trong phiên điều trần kéo dài 3 giờ được tổ chức trước đó tại đảo Saipan của Mỹ, ông Assange đã nhận tội âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng mật, nhưng cho biết ông tin rằng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đã giúp bảo vệ hành vi của mình.
“Là một nhà báo, tôi đã khuyến khích nguồn tin của mình cung cấp thông tin được cho là mật để công bố thông tin đó. Tôi tin rằng Tu chính án thứ nhất đã bảo vệ hoạt động đó nhưng tôi chấp nhận rằng điều đó vi phạm đạo luật gián điệp", ông Assange tuyên bố.
Tòa án đã chấp nhận lời nhận tội của ông Assange, lưu ý rằng chính phủ Mỹ cho biết không có nạn nhân cụ thể nào gặp bất lợi do hành động của ông Assange.
Trong khi chính phủ Mỹ coi Assange là người liều lĩnh khi khiến các đặc vụ của mình có nguy cơ bị tổn hại do bị lộ danh tính, dư luận lại ca ngợi ông như người hùng vì đã thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và vạch trần tội ác chiến tranh.
Theo hồ sơ gửi lên Tòa án quận Quần đảo Bắc Mariana của Mỹ, ông Assange đã đồng ý nhận tội đối với một tội danh duy nhất.
Khi bị mắc kẹt ở đại sứ quán Ecuador, ông Assange đã có hai con trai với bà Stella, người từng là luật sư của ông. Họ kết hôn vào năm 2022 tại nhà tù Belmarsh ở London.