Keiko Kawano - người đứng ra mở các lớp dạy cười, cho biết nhu cầu học các kỹ năng tưởng như thông thường này đang tăng cao tại Nhật Bản, nơi vốn có văn hóa khép kín và thường xuyên đeo khẩu trang trong thời kỳ COVID-19.
Công ty Egaoiku của Kawano - nghĩa đen là "Giáo dục nụ cười" - đã ghi nhận nhu cầu đăng ký khóa học tăng gấp 4 lần so với năm ngoái. Khách hàng không chỉ là những người trẻ, mà còn cả các công ty muốn nhân viên bán hàng trở nên thân thiện hơn, hay các viên chức nhà nước muốn cải thiện chất lượng giao tiếp với người dân. Một giờ học một kèm một có giá 7.700 yên (tương đương hơn 1,2 triệu đồng).
Theo nữ sinh viên Himawari Yoshida, 20 tuổi, cho biết cô cần phải rèn luyện nụ cười của mình để chuẩn bị trước khi ra trường.
“Tôi đã không sử dụng cơ mặt nhiều trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nên đây là một bài tập tốt", Yoshida nói.
Keiko Kawano đã mở các lớp đà tạo cười cách đây 6 năm. Ảnh: Reuters |
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, việc đeo khẩu trang ở Nhật Bản là điều bình thường đối với nhiều người trong mùa sốt cỏ khô hoặc có tâm lý e ngại mắc các bệnh truyền nhiễm.
Nhưng trong khi chính phủ có thể đã dỡ bỏ khuyến nghị đeo khẩu trang vào tháng 3, nhiều người vẫn chưa muốn từ bỏ thói quen này. Một cuộc thăm dò của đài truyền hình NHK vào tháng 5 cho thấy 55% người Nhật cho biết họ vẫn đeo khẩu trang khi ra đường. Chỉ 8% cho biết họ đã ngừng đeo khẩu trang hoàn toàn.
Đáng chú ý, 1/4 số sinh viên tham gia lớp dạy cười đã đeo khẩu trang trong suốt buổi học. Kawano cho biết, những người trẻ tuổi có lẽ đã quen với cuộc sống đeo khẩu trang, đồng thời lưu ý rằng phụ nữ có thể thấy dễ dàng hơn khi ra ngoài mà không trang điểm và đàn ông có thể che giấu việc họ chưa cạo râu.
Kawano từng làm phát thanh viên trước khi nảy ra ý tưởng mở khóa đào tạo cười "theo phong cách Hollywood" vào năm 2017. Kể từ đó, cô đã đào tạo được thêm 23 người trở thành huấn luyện viên giống mình.
"Về mặt văn hóa, một nụ cười biểu thị rằng tôi không cầm súng và tôi không phải là mối đe dọa đối với đối phương", Kawano giải thích ý nghĩa của nụ cười.
Với lượng khách du lịch nội địa tăng đột biến, người Nhật Bản cần giao tiếp với người nước ngoài nhiều hơn là chỉ bằng ánh mắt.
"Tôi nghĩ mọi người ngày càng có nhu cầu mỉm cười", Kawano nói.