Người trở về từ địa ngục

(Ngày Nay) - Trải qua 4.000 ngày đầm đìa “chiến đấu” đến cùng với ma túy, Lê Trung Tuấn như trở về từ cõi chết. Anh thấy mình cần phải sống, nhất định phải sống, sống để gánh nỗi đau cho mẹ, nỗi đau của thị phi và kỳ thị, cần phải sống để minh chứng một điều, con người không gì là không thể. 
Anh Lê Trung Tuấn sau khi thoát khỏi địa ngục mang tên Ma túy
Anh Lê Trung Tuấn sau khi thoát khỏi địa ngục mang tên Ma túy

Cuộc sống như mơ

Lê Trung Tuấn - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) “nổi tiếng” với phương pháp cai nghiện khác người và có phần “gàn dở”, thậm chí điên: “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm”, không cần thuốc, cũng khỏi cần cách ly theo phương pháp truyền thống. Phương pháp mới mẻ và lạ lẫm này được anh khẳng định sẽ giúp ngăn chặn sự hình thành những động cơ kích hoạt cho hành vi sử dụng ma túy, loại bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc của tâm lý vào ma túy - gốc rễ của tình trạng nghiện… Người ta cũng dễ bị “hút” vào phong thái tự tin nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh… hàng giờ đồng hồ trước hàng nghìn, hàng trăm người một cách lôi cuốn, hóm hỉnh của Tuấn.  

Những ngày đen tối trong địa ngục ma túy, để được sống và tồn tại đã là khó chứ nghĩ gì tương lai. Nhưng may thay, với tính cần mẫn như cái kiến, Lê Trung Tuấn tha tất mọi thứ về tổ, cả vui buồn - mặn ngọt - đắng cay để đứng lên sau những lỗi lầm của mình...

Lê Trung Tuấn là một doanh nhân thành đạt, ngoài trung tâm hỗ trợ người cai nghiện, anh có trong tay khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Công ty cổ phần thương mại và du lịch Về Nguồn chuyên về dịch vụ vận tải hành khách, cho thuê xe các loại, tổ chức tour du lịch, bán vé máy bay...; Công ty cổ phần đầu tư và cung ứng nhân lực toàn cầu INVECO lại hướng đến các sản phẩm tiểu, quách, mộ đá – gốm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá, đá quý, gỗ, đồ phong thủy,… tư vấn việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động…; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng ATM Việt Nam chuyên thi công, thiết kế, xây dựng các công trình nhà ở, khách sạn, chung cư…   

Theo anh Tuấn, các doanh nghiệp xã hội này trích 30% đến 50% số tiền thu được từ lợi nhuận kinh doanh hàng năm để trợ giúp PSD hoạt động và thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy cho cộng đồng.

Quá trình khởi nghiệp của Tuấn cũng lắm gian nan. “Khởi nghiệp” bằng nghề chăn vịt, Lê Trung Tuấn từng trải qua đủ nghề: sửa chữa, mua bán xe máy cũ, kinh doanh, chăn nuôi... Năm 2010, từ doanh nghiệp chuyên buôn bán xe máy Tuấn Bằng (tên ghép của hai vợ chồng anh Tuấn), Lê Trung Tuấn thành lập Công ty CP Thương mại và du lịch Về nguồn với số vốn lên tới vài chục tỷ đồng, có chi nhánh ở nhiều tỉnh, công ty chuyên kinh doanh nhà hàng khách sạn, vận tải, du lịch đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người, trong đó có cả những người từng nghiện ma túy và đã cai nghiện thành công.

Kinh tế đủ vững vàng, Tuấn còn nhiệt tình tham gia vào việc giúp các gia đình thân nhân liệt sỹ đi tìm và đưa hài cốt liệt sỹ thất lạc về an táng tại quê nhà.

Khi đã thành đạt, Lê Trung Tuấn dốc tâm huyết kiến tạo nên Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD nhằm giúp đỡ cai nghiện, hỗ trợ việc làm – tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện với số tiền hàng chục tỷ đồng. Mới năm ngoái, doanh nhân Lê Trung Tuấn với chức danh Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tại Hà Nội đã công bố một số nghiên cứu mới trong lĩnh vực phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy với cách cai nghiện “lạ lùng”: Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm. Kết quả khá khả quan, khảo sát trên hơn 20 nghìn học viên ở các trung tâm cai nghiện bằng phương pháp này cho thấy, khoảng 60% số học viên có thể cai nghiện thành công, duy trì hành vi không sử dụng ma túy bền vững.  

Quá khứ bất hảo

Là con út trong gia đình có 3 chị em, bố là quân nhân, mẹ là bác sỹ, chị gái cũng công tác trong quân đội, Lê Trung Tuấn dường như “hội tụ” đầy đủ phong thái tự tin, đĩnh đạc và gia giáo của con nhà lính. Những tưởng được sinh trưởng trong một gia đình gia giáo được học hành đầy đủ, xét theo “quy luật khách quan” thì Tuấn sẽ đương nhiên trở thành con người có ích. Nhưng, cuộc đời Tuấn phủ đầy nước mắt, thậm chí nhiều lần đánh đổi cả tính mạng…

Hai mươi năm trước, Tuấn là nô lệ của ma túy.

Thứ bột ấy anh gọi là bột “ăn thịt người”. Nó “ăn” rỗng ngực anh, rỗng trí tuệ anh, rỗng cả sự tử tế của anh. Đã có thời, Tuấn cồn cào trong cơn nghiện, anh chửi cả gia đình, chửi người mẹ kính yêu của mình rằng bà keo kiệt, tiền giắt đầy túi mà không đưa anh đi mua thuốc…

“Nếu trên thế gian này thật sự có ma, thì con ma đáng sợ nhất mà nhân loại biết được, đáng sợ hơn cả ma cà rồng (nếu ma cà rồng có thật), thì con ma ấy, là Ma Túy. Lúc phê thuốc, tôi như gã điên rồ, có thể ngẫu hứng khóc và cười. Có lần, tôi đi xe máy phân khối lớn, kẹp 4 thằng rú ga chạy ào ào. Qua cổng bảo vệ không thèm xuống dắt xe, tôi còn rú ga, vê côn, lượn như con rắn trúng đòn để trêu tức các chú bảo vệ… Bấy giờ tôi đã đủ trải nghiệm đau xót để hiểu rằng, tôi đã trở thành một thứ quái thai trong xã hội, tôi hút máu cha mẹ mình để hư đốn. Tôi đã sống dằn vặt giữa hai “nhân cách” phân thân ra của bản thân tôi: tử tế và đểu giả.

37 tuổi đời, 5 năm nghiện ngập, 13 năm chiến đấu với bản thân để cai nghiện và vươn lên khẳng định chỗ đứng trong xã hội. Lê Trung Tuấn đã xuất bản cuốn tự truyện “Nẻo về” kể về quãng đời nghiện ngập, rồi cai nghiện và vươn lên của mình để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ… 

Bi kịch ở chỗ, anh biết đâu là tử tế và đểu giả nhưng không thể tránh xa được sự đểu giả. “Tôi tự nguyện xin bố mẹ xích chân tôi vào, nhốt trong phòng, cho tôi mượn cái tivi giải trí thôi. Tôi dằn lòng cách ly với thế giới bên ngoài, ăn uống và phóng uế trong giới hạn ngắn ngủi của cái sợi xích…”.

Nhưng mọi quyết tâm đều vô vọng. Một buổi tối, anh trở thành vị khách bất đắc dĩ chân bị xiềng xích loảng xoảng với cả cục xi măng to đùng, trốn nhà như vượt ngục để tìm… mua heroin. Ngày biết tới nàng tiên nâu là ngày đời anh rơi vào địa ngục. Địa ngục ấy đã hủy hoại của anh tất cả, đến mức hai lần anh chết lâm sàng, nhiều lần tìm cách tự tử, tất cả đều không thành.

Cố gắng, cố gắng mãi nhưng không bỏ được. Cả nghìn đêm mất ngủ, Lê Trung Tuấn đã từng vặn giây cót quyết tâm, căm hận ma túy và bạn bè rủ rê mình, căm hận cả sự buông tuồng hư đốn của mình… Anh đào hào, đào ao xung quanh nhà, từng nằm lịm dưới đáy bùn để mong quên đi cơn nghiện…. Nhưng ma túy đã ăn vào máu anh lâu quá rồi.

Cuộc đời Tuấn – khi làm bạn với ma túy, là một chàng trai đáng thương cố vùng vẫy trong đống bùn lầy, nghẹt thở trong tệ nạn không sao thoát ra được. Địa ngục trần gian kéo dài đằng đẵng hơn 4.000 ngày… Tự tử không được, sống cũng chẳng ra sống, đã có lúc Tuấn vật vờ như người chết rồi.

Những ngày đen tối và lầm lỗi nhất cuộc đời mình được Lê Trung Tuấn phơi bày trong tự truyện “Nẻo về” của anh. “Chả ai muốn những vấp ngã của cuộc đời mình thành món ăn trên bàn tiệc để mọi người soi mói, định giá. Nhưng hơn cả là khát khao góp một tiếng nói giúp các bạn trẻ tránh xa ma túy. Còn với ai đã trót dính vào ma túy như tôi, hãy bằng nghị lực bản thân mà vượt qua, hãy thực sự coi đó là một cuộc chiến chỉ có còn hoặc mất để chiến thắng. Tôi mong muốn người đời bớt thị phi với người nghiện, hãy đồng cảm với người đã lỗi lầm trên nẻo về của họ. Vì trong sâu thẳm của sự cuồng quay với ma túy, họ vẫn là một con người. Đưa tay ra với họ cũng là giúp họ đánh thức phần người với những ước mơ hướng thiện giản dị, nhỏ nhoi đã bị ngủ quên” - Lê Trung Tuấn chia sẻ.

Người trở về từ địa ngục ảnh 1Lê Trung Tuấn kí tặng sách cho độc giả

Tôi đang sống những ngày đáng sống

Căm thù ma túy đến xương tủy, Lê Trung Tuấn quyết tâm cai nghiện tại nhà cùng sự giúp đỡ của bố mẹ và người vợ trẻ. Mới 19 tuổi, vì quá yêu Tuấn, cô gái Bằng đã gạt bỏ mọi lời đàm tiếu để lấy “một thằng nghiện”. Những tháng ngày tự cai tại nhà, không biết bao lần Tuấn đã tự lao đầu vào tường để cắt cơn. Thế rồi Tuấn cai được thật. Tuấn dần trở thành doanh nhân thành đạt từ tình yêu của người phụ nữ “nhẹ dạ cả tin” nhưng vô cùng nhân văn và đầy lòng bao dung ấy.

 “23 năm trước, những ngày còn sống trong tuyệt vọng, tôi luôn luôn nghĩ nhất định phải đi qua nó, phải chiến thắng chính bản năng con người mình. Trong giây phút từ miền xa thẳm được may mắn trở về, tôi chợt ngộ ra rằng, con người ra đi sẽ chỉ là hai bàn tay trắng. Khi nhìn mẹ khóc vật vã rồi gục đầu bất động cạnh thân xác tôi giữa sàn nhà, tôi hiểu gia đình là quan trọng nhất, mẹ là người thương yêu và hy sinh vì tôi nhất.

Tôi trở về và thấy mình cần phải sống, nhất định phải sống, sống để gánh nỗi đau cho mẹ, nỗi đau của thị phi và kỳ thị, cần phải sống để minh chứng một điều, con người không gì là không thể”.

Những ngày đen tối trong địa ngục ma túy, để được sống và tồn tại đã là khó chứ nghĩ gì tương lai. Nhưng may thay, với tính cần mẫn như cái kiến, Lê Trung Tuấn tha tất mọi thứ về tổ, cả vui buồn - mặn ngọt - đắng cay để đứng lên sau những lỗi lầm của mình.

Người trở về từ địa ngục ảnh 2"Tôi mong muốn người đời bớt thị phi với người nghiện, hãy đồng cảm với người đã lỗi lầm trên nẻo về của họ..."

“Gió thị phi không thể thổi mãi về một hướng, cũng như qua đêm đen trời sẽ rạng, đó là quy luật bất biến ngàn đời của vũ trụ. Bình minh rồi cũng hé mở trên con đường vạn dặm tôi đi, trời đất cũng xe duyên cho tôi gặp được những người thầy, người anh, người chị, người bạn, để giúp đỡ và làm nên Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD). Gần 5 năm trước tôi âm thầm chuẩn bị cho Nẻo Về và PSD ra đời, nhiều người nói tôi điên, vĩ cuồng hay đang PR cho bản thân. Tôi không quan tâm tới họ, chỉ chú tâm vào việc mình làm. Tôi hiểu một điều, minh chứng tốt nhất chính là những người trở về thành công, là những cuộc đời được cứu sống, đó là bằng chứng đanh thép nhất”.

Với người trở về từ “cõi chết” như Lê Trung Tuấn thì tôi tin, cái bản tính điên, liều và gàn dở đó là hành trang giúp anh thành công hơn nữa.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?