Theo bác sĩ Ngô Quang Trúc – Viện Y học bản địa Việt Nam, không ăn mỡ động vật, như bỏ mỡ lợn ra khỏi thực đơn hàng ngày và thay bằng dầu thực vật là quan niệm sai lầm. Mỡ động vật cũng có tác dụng hoàn thiện trí não ở trẻ nhỏ và các nghiên cứu đều chỉ ra rằng cả mỡ thực vật và mỡ động vật nên cùng có trong khẩu phần. Tỉ số mỡ động vật và mỡ thực vật nên là 1/1,5. Trong khi đó, bác sĩ Trúc lại cho rằng từ lâu tới nay người dân hay bị “ru ngủ” bởi các chuyên gia, các nhà tư vấn dinh dưỡng… chỉ ăn dầu thực vật, không ăn mỡ động vật.
Việc ăn mỡ động vật được khuyến cáo cần thiết và theo giai đoạn của đời người. Ví dụ ở giai đoạn kiến tạo cơ thể của trẻ, tỉ số mỡ động vật/mỡ thực vật = 70/30; Giai đoạn cơ thể đã trưởng thành tới lúc trung niên, tỉ lệ mỡ động vật/mỡ thực vật = 50/50; Giai đoạn người có tuổi, cao tuổi, tỉ lệ mỡ động vật/mỡ thực vật = 30/70.
Bác sĩ Trúc kể, người dân miền núi họ vẫn sử dụng mỡ lợn và ông chiêm nghiệm thấy cũng tốt cho sức khỏe nhất là về mắt. Ví dụ, mẹ của TS Trúc dù ngoài 90 tuổi vẫn xâu kim không kính, có thể từ nhỏ bà đã được ăn 1 lượng đủ cholesterol, Sphingosine (2-amino-4-octadecene-1,3-diol) từ mỡ động vật để đủ tạo ra 1 lượng sphingomyelin cấu tạo nên lớp vỏ myeline thần kinh đáy mắt. Hầu hết hormone trong cơ thể đều kiến trúc từ cholesterol. Cholesterol là nguyên liệu sản xuất Androgen là nội tiết tố nam, và chính androgen tạo estrogen nội tiết tố nữ.
Ngày nay các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định rằng: trong mỡ động vật có nhiều chất Cholesterol cần thiết cho cấu trúc của tế bào, tạo nội tiết tố, đặc biệt là tế bào thần kinh, mà trong dầu thực vật không có hoặc nếu có thì cũng rất ít. Hơn nữa, các axít béo no trong trong mỡ nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, bảo vệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng bệnh tai biến mạch máu não (xuất huyết não…) và các bệnh tim mạch, theo Tổ chức y tế thế giới bệnh tim mạch, ung thư và tai biến mạch máu não là ba nhóm bệnh đứng hàng đầu gây tử vong cho con người. Nếu chỉ dùng dầu thực vật mà không sử dụng mỡ động vật thì các tác dụng tốt này của mỡ đối với cơ thể chúng ta sẽ bị suy giảm, có hại cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Trúc trong các bữa ăn hàng ngày, cần phải kết hợp sử dụng hài hòa cả dầu thực vật và mỡ động vật, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Chế độ ăn hợp lý là có chất béo (mỡ) có nguồn gốc từ động vật/chất béo nên lấy từ dầu thực vật theo tỉ số 1:1,5 hay 2/3 như đã nêu trên… trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người.
PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, trường đại học Bách Khoa cũng cho rằng mỡ lợn ăn tốt và không nên bỏ hoàn toàn ra khỏi tủ bếp mọi nhà. PGS Thịnh cho rằng với trẻ nhỏ cần cho ăn mỡ và giảm dân theo tuổi nhưng không kiêng hoàn toàn vì điều này không tốt cho sức khỏe.