Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ đang bước vào giai đoạn rét khô với nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng vẫn dao động 7-10 độ C, vùng núi 4-7 độ C. Dù vậy, trạng thái rét đậm, rét hại chỉ còn xuất hiện về đêm và sáng sớm.
Tại TP.HCM, nền nhiệt cũng giảm rõ rệt. Sáng 13/1, thời tiết tại TP.HCM trở lạnh 19 độ C khiến nhiều người khi ra đường phải mặc áo ấm. Đây là lần đầu tiên nhiệt độ TP.HCM xuống dưới 20 độ C trong nhiều tháng nay.
Theo các bác sĩ, thời tiết lạnh khiến nhiều người có nguy cơ bị liệt dây thần kinh số 7, dẫn đến méo miệng, liệt mặt.
Tại sao trời lạnh dễ gây liệt mặt?
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng nhưng 75% là lạnh đột ngột làm ảnh hưởng dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên.
Đoạn dây thần kinh này nằm trong ống xương đá, vốn dĩ đã bị lạnh do không có cơ che phủ dây thần kinh. Do đó, không khí lạnh buốt đột ngột từ bên ngoài khiến cho nó càng nhanh bị nhiễm lạnh. Khi đó, mạch máu bị co thắt lại dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm, dây thần kinh sẽ bị phù nề, chèn ép và dẫn đến liệt.
Trời lạnh đột ngột có thể gây tình trạng liệt mặt, méo miệng. - Ảnh: Bigbudsmag. |
Ngoài yếu tố nhiệt độ, tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có thể do các yếu tố khác như nhiễm trùng, sang chấn, phẫu thuật… Bệnh có thể trị khỏi nhờ xoa bóp bấm huyệt tác động vào nhóm cơ vùng mặt.
Triệu chứng
Theo bác sĩ Vũ, về mặt cấu tạo, hệ thần kinh được chia ra làm 2 bộ phận là cơ quan trung ương (não, tủy sống) và ngoại biên (các dây thần kinh, hạch thần kinh). Các dây thần kinh ngoại biên gồm 12 đôi dây thần kinh não, xuất phát từ trụ não và tỏa ra khắp cơ quan ở mặt, cổ. 31 đôi dây thần kinh tủy xuất phát từ tủy sống phân bố đến cơ quan ở thân, cổ và các chi.
Dây thần kinh số 7 thuộc bộ phận ngoại biên. Đây là dây chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay liệt mặt ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Bệnh có thể khởi phát đột ngột. Sau đêm ngủ dậy, người bệnh bị liệt nửa mặt hoàn toàn trong vòng 24-48 giờ.
Biểu hiện của người bị liệt mặt ngoại biên (trái) so với trạng thái bình thường (phải). - Ảnh: Topdoctors. |
Ở trạng thái tĩnh, người bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có khuôn mặt bất đối xứng, các cơ mặt bị kéo về bên lành, nếp nhăn vùng trán, rãnh mũi, má mắt, nhân trung lệch, miệng méo.
Ở trạng thái động, bệnh nhân có dấu hiệu mắt nhắm không kín, nhãn cầu chuyển động lên phía trên. Bệnh nhân không làm được hay khó khăn khi thực hiện các động tác trên mặt như nhăn trán, nhíu mày, nhe răng, trề môi, phồng má, thổi sáo… Ngoài ra, cảm giác ù tai, chảy nước mắt bên liệt là triệu chứng phụ đi kèm.
Phương pháp điều trị
"Sau khi ngủ dậy, bệnh nhân bỗng thấy mình liệt một nửa mặt cũng không nên quá hoảng loạn. Y học có nhiều phương pháp điều trị phục hồi tình trạng liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Chuyên gia này cho biết phương pháp xoa bóp, bấm huyệt có ưu điểm là xác định chính xác nhóm cơ nào có vấn đề và tập trung điều trị nhóm cơ đó.
Bác sĩ Vũ điều trị cho bệnh nhân. |
Phương pháp xoa bóp bấm huyệt có hiệu quả với liệt mặt ngoại biên nhưng với điều kiện là bác sĩ phải thăm khám kỹ, xác định chính xác nhóm cơ nào bị yếu, cơ nào liệt và mức độ yếu, liệt của cơ đó. Khi đó, bác sĩ mới dùng thủ thuật phù hợp cho từng cơ, nhóm cơ.
Xen giữa quá trình xoa bóp, bệnh nhân được kết hợp phương pháp bấm huyệt ngay trên vùng cơ đó. Bấm huyệt đúng không phải là bấm mạnh, làm người bệnh đau nhói. Bác sĩ sẽ xoa bóp trước để làm mềm cơ và khí huyết lưu thông, sau đó bấm huyệt nhẹ nhàng, đúng huyệt, đúng cơ.
Bác sĩ Lương Quang Thịnh, khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu, Bệnh viện quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không nguy hiểm tính mạng, nhưng lại gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày, khó biểu hiện cảm xúc.
Thời gian điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương thần kinh, độ tuổi, cách phòng bệnh và thời gian bệnh nhân đến viện sớm hay muộn.
Để phòng bệnh, trong mùa lạnh, người dân cần chú ý đeo kính, khẩu trang khi ra ngoài. Đặc biệt, vùng mặt, đầu, cổ cần được giữ ấm, không nằm điều hòa nhiệt độ thấp, hạn chế dùng quạt vì gây khô mắt, không nên tắm, gội đầu buổi tối, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Ngoài ra, người dân nên ăn uống lành mạnh, hạn chế chất kích thích. Khi gặp gió lạnh, chúng ta có thể massage nhẹ nhàng vùng mặt để giúp lưu thông mạch máu, tránh tình trạng liệt.