Nguy cơ thêm nhiều ổ dịch mới, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều ổ dịch sởi mới tại các trường học nếu chiến dịch tiêm vaccine sởi không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.
Phụ huynh đến trường đăng ký tiêm vaccine sởi cho con.
Phụ huynh đến trường đăng ký tiêm vaccine sởi cho con.

Phụ huynh yên tâm đưa con đi tiêm vaccine sởi tại trường

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, tổ chức các điểm tiêm chủng tại trường học là giải pháp rất hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng bệnh và đã từng được áp dụng trên toàn quốc trong các chiến dịch tiêm chủng. Nhằm tăng cường hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine phòng chống bệnh sởi, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm vaccine ngay tại trường học cho trẻ; qua đó góp phần tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng.

Ngày 14/9, Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức) phối hợp với Trạm y tế phường Linh Trung tổ chức tiêm vaccine sởi cho học sinh chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi đang theo học tại trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ 8 giờ sáng, rất đông phụ huynh đưa con đến tiêm vaccine. Mặc dù số học sinh đến điểm tiêm rất đông, nhưng do đã có kinh nghiệm tổ chức tiêm vaccine COVID-19 trước đó nên mọi công tác tiêm chủng diễn ra rất trật tự, đúng quy trình.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng có con đang học lớp 3 tại trường cho biết: "Mấy nay nghe thông tin về dịch sởi nên tôi cũng lo lắng. Nghe nhà trường tổ chức tiêm vaccine sởi cho học sinh tại trường nên tôi đã đăng ký cho con trai tiêm để phòng bệnh".

Chị Thu Hằng cho biết thêm, do bị mất sổ tiêm chủng nên chị cũng không nhớ là con chị đã tiêm những loại vaccine gì, có tiêm đủ mũi sởi hay chưa; chỉ nhớ có tiêm một mũi sởi vào lúc con 9 tháng tuổi.

Tương tự, phụ huynh Trang có con gái học lớp 1 tại trường cho hay, các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng chị đều cho con tiêm đủ hết. Sau đó, do dịch COVID-19 và cũng bị mất sổ tiêm chủng nên không nhớ đưa bé đi tiêm.

“Hầu hết các mũi tiêm nhắc lại bé đều chưa được tiêm. Nghe nói dịch sởi, tôi cũng lo lắng con đi học bị bệnh nên khi nhà trường thông báo tiêm vaccine sởi, tôi đưa con đi tiêm để phòng bệnh. Bên cạnh tiêm vaccine cho con, tôi cũng thường dặn bé ở trên trường nên đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để không bị bệnh”, phụ huynh Trang chia sẻ.

Phụ huynh em Uyên Thư, học sinh lớp 2 cũng cho biết, bé sinh ra ở quê và tiêm được một mũi sởi, sau đó dịch COVID-19 nên không nhớ đưa bé đi tiêm mũi nhắc lại, sổ tiêm chủng của bé cũng bị mất.

Thầy Nguyễn Hải Đằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết (phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức) cho biết, có gần 2.000 học sinh đang theo học tại trường. Sau khi rà soát danh danh sách tiêm chủng, vận động tuyên truyền thì có gần 400 học sinh chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi được tiêm trong ngày hôm nay (14/9).

Về công tác tổ chức tiêm vaccine sởi tại trường, thầy Hải Đằng cho biết, do có kinh nghiệm tổ chức tiêm vaccine COVID-19 nên công tác rà soát danh sách cũng như tổ chức tiêm vaccine sởi tại trường rất thuận lợi. Công tác tổ chức tiêm được thực hiện theo quy trình một chiều.

Cụ thể, phụ huynh đến sẽ được ghi phiếu tiêm; sau đó đến khu vực kiểm tra cân nặng, đo nhiệt độ; khu vực khám sàng lọc và kiểm tra lịch sử tiêm chủng của học sinh; tổ chức 4 bàn tiêm; sau tiêm học sinh sẽ ngồi tại khu vực theo dõi 30 phút; nhập thông tin học sinh được tiêm lên phần mềm tiêm chủng quốc gia…

Nguy cơ thêm nhiều ổ dịch mới, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi trong trường học ảnh 1

Học sinh được đo nhiệt độ trước khi tiêm.

Đại diện Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức cho biết, hiện Trung tâm y tế đang triển khai hoạt động tiêm ngừa sởi cho trẻ em chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine đang sinh sống và học tập trên địa bàn thành phố Thủ Đức.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella, Ban giám đốc Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức đã đến kiểm tra, giám sát các điểm tiêm trên địa bàn. Qua giám sát, các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.

Trong quá trình tiêm ngừa, đội tiêm tuân thủ các quy trình an toàn tiêm chủng, từ việc rà soát mũi tiêm, khám sàng lọc trước khi tiêm, cho đến việc theo dõi phản ứng sau tiêm… Bên cạnh đó, bảo mẫu và cô giữ trẻ cũng được nhân viên y tế lưu ý việc theo dõi các triệu chứng bất thường của trẻ sau tiêm ngừa.

Trung tâm y tế Quận 8 cũng cho biết, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục cùng UBND các phường khẩn trương rà soát tiền sử tiêm chủng trong trường học, lập danh sách gửi về Trạm y tế để tổ chức tiêm vào những ngày cuối tuần. Việc tiêm vào thứ bảy và chủ nhật rất thuận tiện vì phụ huynh không phải đi làm, có thể đưa con đi tiêm.

“Chúng tôi đặt mục tiêu làm sao số trẻ được tiêm là cao nhất. Để không bỏ sót trẻ cần tiêm, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục yêu cầu phụ huynh nộp đầy đủ sổ tiêm chủng của trẻ. Cán bộ y tế tại trạm y tế và trường học sẽ kiểm tra trên hệ thống tiêm chủng để xác định các bé đã tiêm đủ mũi hay chưa. Song song đó, UBND phường sẽ rà soát các nhóm trẻ và nơi lưu giữ trẻ trên địa bàn, kể cả trẻ tại các mái ấm, ngôi chùa hoặc trẻ được giữ tại nhà, nhằm đảm bảo không trẻ nào bị bỏ sót”, ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm y tế Quận 8 cho biết.

Tiêm vaccine là vũ khí tối ưu để kiểm soát dịch sởi

Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm lây rất nhanh qua đường hô hấp. Hầu hết những trường hợp chưa có miễn dịch đều phát bệnh sau khi tiếp xúc với người bị bệnh sởi đang trong thời kỳ lây nhiễm. Một ca bệnh sởi có thể lây trung bình cho 12 đến 18 người, đặc biệt là trong môi trường trường học, nơi tập trung đông học sinh nên dễ có nguy cơ lây nhiễm cao.

Nguy cơ thêm nhiều ổ dịch mới, TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi trong trường học ảnh 2

Học sinh được khám sàng lọc trước tiêm nhằm đảm bảo trẻ đủ điều kiện để tiêm phòng vaccine.

Cụ thể, chỉ trong 1 tuần đầu học sinh đi học, Thành phố đã ghi nhận 5 trường tiểu học của 4 quận, huyện xuất hiện ổ dịch sởi có từ 2 ca bệnh trở lên. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh dự kiến nhiều ổ dịch sởi mới sẽ tiếp tục xuất hiện tại trường học trong thời gian tới nếu chiến dịch tiêm vaccine không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, Thành phố cần đẩy mạnh tiến độ thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn và phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9 để giảm sự lây lan của bệnh và sớm kết thúc dịch.

Ước tính, số trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch khoảng 125.000 trẻ. Nhóm trẻ từ 1 - 5 tuổi cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và hoàn thành trong tháng 9, đồng thời toàn Thành phố bắt đầu triển khai đồng loạt tiêm vaccine cho trẻ từ 6 - 10 tuổi ngay từ tuần thứ 3 của tháng 9/2024.

Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Trung tâm y tế đã tăng cường đội tiêm lưu động phối hợp với 32 trạm y tế tổ chức tiêm ngừa tại các trường học mầm non, trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, mái ấm, nhà mở… tiến hành chiến dịch tiêm ngừa sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi và nhóm người có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi nhưng chưa tiêm đủ mũi.

“Việc tổ chức đội tiêm ngừa lưu động trong chiến dịch tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và các trẻ, người trong nhóm nguy cơ được tiêm ngừa vaccine có chứa thành phần sởi”, đại diện Trung tâm y tế thành phố Thủ Đức nhận định.

Bên cạnh đó, Trung tâm đề nghị các điểm tiêm cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh, đặc biệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu của chiến dịch, tác dụng và lợi ích của việc tiêm bổ sung vaccine sởi phòng bệnh cho trẻ…

Theo bà Lê Hồng Nga, tiêm chủng chống dịch sởi, dù tiến hành theo chiến lược “tiêm không kể tiền sử tiêm chủng trước đó” hay chiến lược “tiêm bù cho những người chưa tiêm đủ”, đều cần phải tiến hành sớm nhất và nhanh nhất trong điều kiện có thể.

Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi phối hợp với trung tâm y tế, trạm y tế để đưa tổ chức tiêm chủng cho trẻ càng sớm càng tốt.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tích cực rà soát, lập danh sách trẻ 1 - 10 tuổi chưa tiêm đủ mũi đang sống trên địa bàn và vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng; ưu tiên rà soát tại những khu vực biến động dân cư, khu nhà trọ, nơi cưu mang những trẻ lang thang cơ nhỡ… không để bỏ sót trẻ trên địa bàn.Sở Y tế vận động mọi người dân hãy khẩn trương đưa trẻ chưa tiêm đủ mũi đi tiêm vaccine sởi tại các trạm y tế, bệnh viện, trường học theo thông báo của y tế địa phương.

Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc
Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc
(Ngày Nay) - Tối ngày 18/9 (tức ngày 16 tháng Tám năm Giáp Thìn) tại Đền Kiếp Bạc thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh đã diễn ra Lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc.
Lạm phát hạ nhiệt, Fed mạnh tay giảm lãi suất
Lạm phát hạ nhiệt, Fed mạnh tay giảm lãi suất
(Ngày Nay) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt một cách ổn định và lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của thị trường lao động.
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3
(Ngày Nay) - Tại cuộc họp ngày 18/9 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để có chương trình hỗ trợ phù hợp.
Hà Nội: Điều chỉnh giao thông trên Đại lộ Thăng Long
Hà Nội: Điều chỉnh giao thông trên Đại lộ Thăng Long
(Ngày Nay) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa ban hành thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ 9 giờ ngày 17/9/2024 đến khi có thông báo thay thế. Thông báo này thay cho Thông báo số 993/TB - SGTVT ngày 16/9/2024 của Sở Giao thông Vận tải.
Ảnh minh hoạ.
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế có đang bị lạm dụng?
(Ngày Nay) - Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hiệu quả để thu hồi nợ thuế, đảm bảo nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với nhà nước. Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng, áp dụng tràn lan, có thể gây ra nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực vượt khó, phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế nói chung chịu nhiều biến động. .
Cứu trợ phải “nhanh, khả thi, có trọng tâm, trực tiếp”
Cứu trợ phải “nhanh, khả thi, có trọng tâm, trực tiếp”
(Ngày Nay) - “Thương người như thể thương thân” là truyền thống quý báu của dân tộc ta, đặc biệt là sau mỗi lần xảy ra các thiên tai, địch họa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất thì việc cứu trợ phải đạt các tiêu chí “nhanh, khả thi, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng” theo nội dung Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2016.
Không phân biệt cao - thấp với di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Sau 23 năm Luật Di sản văn hóa và 15 năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024. Dự luật mới kiên trì bảo vệ quan điểm không xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.