Ráy tai được tạo thành từ khoảng 60% keratin (một loại protein) và các tế bào da chết, axit béo, cholesterol cùng nhiều hợp chất khác. Hỗn hợp này thường xuất hiện ở phần tai ngoài, do các tuyến cerumenous (chuyên sản xuất chất sáp) ở bên trong ống tai tiết ra.
Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ.
Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai bạn có thể bị khô và ngứa.
Tai tự có khả năng làm sạch
Theo chuyên gia, cấu tạo tai của mỗi người bao gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai ngoài có nhiệm vụ hứng sóng âm thanh trong không gian để truyền vào tai giữa và tai trong qua tác động làm rung màng nhĩ. Ống tai ngoài có các tuyến tiết ra chất bã gọi là ráy tai.
Ráy tai có thể khô hoặc ướt là tùy thuộc từng cá thể. Ráy tai cũng có nhiệm vụ bảo vệ thành ống tai, do trong thành phần ráy tai có chất kháng sinh, có chất kết dính để bẫy, dính vi khuẩn. Ráy tai phủ một lớp mỏng trên da ống tai ngoài, được hình thành do chất nhờn trong ống tai trộn lẫn với các tế bào chết, nó đóng vai trò như một “vệ sỹ” ngăn chặn vi khuẩn, nấm tấn công vào các tổ chức của ống tai ngoài, đe dọa thính giác. Dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài, tự khô rồi bong ra ngoài.
Nhiều người cho rằng, không lấy ráy tai sẽ gây ra việc tắc nghẽn ống tai, từ đó làm suy giảm thính giác. Do đó, họ thường có thói quen sử dụng bông tăm, đầu chiếc chìa khóa, chiếc kẹp tóc hay đơn giản là móng tay... để làm sạch ráy tai và loại bỏ bụi bẩn trong lỗ tai.
Tuy nhiên, bạn có biết tai của chúng ta có khả năng tự làm sạch.
Theo quy luật tự nhiên, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai. Cụ thể, dưới tác động của các nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai sẽ tự khô rồi bong ra, di chuyển theo chiều từ trong ra ngoài.
Ngoài ra, khi nói chuyện, nhai thức ăn, di chuyển hay tắm... cũng giúp phần nào lớp ráy tai dễ bong ra và trượt ra ngoài thuận lợi hơn.
Ngoáy tai thường xuyên còn có thể gây viêm nhiễm, đặc biệt là ở trẻ em, khi cấu trúc da, niêm mạc, màng nhĩ của tai trẻ còn mỏng. Ảnh minh họa
Nguy hại từ việc lấy ráy tai
Số liệu công bố mới đây khiến không ít người giật mình. 58,4% bị đau tai, 8,82% bị đau tai nặng phải điều trị nguyên nhân do lấy ráy ở tiệm cắt tóc. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương phải xử lý hàng trăm ca bị thủng màng nhĩ mỗi năm, chưa kể các bệnh viện khác trong cả nước.
Viện Pasteur Tp.HCM xét nghiệm bông ngoáy tai của một tiệm cắt tóc đã tìm thấy: 1.328 vi khuẩn Staphylococcus aureus và 33 loại nấm khác nhau, trong đó có nấm Aspergillus flavus rất nguy hiểm cho tai, mũi, họng.
Theo nghiên cứu của Viện Tai mũi họng Hoa Kỳ, khoảng 10% trẻ em, 5% người lớn và trên 57% người già bị ảnh hưởng bởi một trong những bệnh trên mà nguyên nhân là do lấy ráy tai quá nhiều hoặc không đúng cách.
Thói quen ngoáy tai, lấy ráy tai nhiều sẽ gây rách, trầy xước da ống tai, làm cho vi khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết bên dưới lớp biểu bì gây viêm ống tai. Vi khuẩn có thể có sẵn trong ống tai hoặc đưa từ ngoài vào khi ngoáy tai. Mặt khác, lấy ráy tai không đúng cách có thể đẩy khối ráy tai vào sâu hơn trong ống tai, bám sát vào màng nhĩ gây đau tai, ù tai và nghe kém.
Với cơ chế tự làm sạch tai nên mỗi khi bạn sử dụng bông tăm hay dụng cụ lấy ráy tai - bạn đã không chỉ đưa thêm nhiều vi trùng mới mà còn đẩy một số ráy tai đang trên đường thoát ra trở lại sâu trong tai.
Điều này có nghĩa là bạn đã đưa tất cả bụi bẩn và vi khuẩn trở lại vị trí ban đầu.
Do lớp màng nhĩ trong tai rất mỏng nên có thể bị thủng bất cứ lúc nào dù chỉ với một áp lực nhỏ. Và khi màng nhĩ thủng, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian và trải qua nhiều đau đớn trước khi lớp màng nhĩ có thể tự lành lại.
Nếu chọc sâu hơn, bạn còn gây ra tổn thương phía sau màng nhĩ - làm trật khớp chuỗi xương con gây giảm thính lực. Thậm chí nặng hơn, hành động này có thể gây tổn thương cả tai trong, gây giảm thính lực đến điếc hoàn toàn.
Một vài biện pháp làm sạch tai
- Khi bị ngứa tai, bạn chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day nắp tai chứ không nên vội ngoáy tai. Nếu ngứa không giảm, bạn có thể dùng thuốc nhỏ tai hay nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai.
- Đợi 5 - 10 phút - bạn nghiêng đầu về bên tai bị ngứa, day nhẹ vào nắp tai để thuốc còn dư chảy ra.
- Tiếp đến, bạn dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ để khô tai. Bạn lưu ý tuyệt đối không ngoáy tai, nếu sau vài ngày vẫn thấy ngứa, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám.
- Nếu nước vô tình vào trong ống tai khi tắm hoặc bơi gây cảm giác ù tai thì nên lấy que tăm bông đặt nhẹ vào trong ống tai, để yên trong vòng 5 phút. Nước sẽ bị bông khô tự động hút hết chứ các ấy không nên lau chùi nhiều.
– Tuyệt đối không dùng những vật sắc nhọn như tăm xỉa răng, kẹp tóc… để ngoáy vì dễ gây trầy xước, chảy máu.
Nha Trang