Bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn xét nghiệm máu, siêu âm bụng bệnh nhân không phát hiện ruột thừa viêm mặc dù đau bên phải bụng nhiều ngày, đến khi chụp cộng hưởng từ (MRI) mới thấy viêm ruột thừa cấp. Ruột thừa bị đẩy lên vùng bụng trên do thai to, không còn nằm ở vùng bụng dưới như bình thường.
Chị Ngọc được phẫu thuật nội soi ổ bụng cấp cứu để cắt ruột thừa ngày 5/9. Bệnh nhân mang thai tuần thứ 33 nên tử cung và thai nhi lớn, khiến ổ bụng hẹp, ruột thừa và manh tràng bị đẩy lên cao nên bác sĩ phải thận trọng khi mổ. Hai ngày sau mổ bệnh nhân khỏe và xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Quang Luật trực tiếp điều trị, cho biết may mắn ruột thừa viêm chưa vỡ, nếu không ca mổ trên thai phụ 33 tuần với ổ bụng đầy mủ sẽ nhiều khó khăn, thậm chí không thể phẫu thuật nội soi mà phải mổ hở. Dịch mủ từ ruột thừa vỡ có thể gây nhiễm trùng, dễ dính ruột, tắc ruột sau phẫu thuật, thai nhi sinh non, sảy thai...
Bác sĩ Nguyễn Phước Thuyết, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết kỹ thuật chụp cộng hưởng từ bụng gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ và em bé, giúp chẩn đoán chính xác viêm ruột thừa cấp ở bệnh nhân mang thai.
Đau ruột thừa ở thai phụ thường khó nhận biết và dễ bị chẩn đoán nhầm với các vấn đề thai kỳ, dẫn tới điều trị chậm trễ. Thai phụ mang bầu trên 6 tháng, tử cung thường đẩy ruột thừa lên cao và ép ra ngoài thành bụng nên triệu chứng phức tạp và khó chẩn đoán hơn.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ có bất thường ở bụng hay đau bụng, tức bụng, nôn ói, sốt, tiêu lỏng... nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa sản và ngoại tiêu hóa, có trang bị máy chụp cộng hưởng từ, giúp chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả.