Cuộc đời đẹp nhất là khi cầm bút
Sáng 17/6, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tổ chức ra mắt cuốn hồi kí “40 năm Đi, Yêu và Viết”. Đông đảo bạn đọc, người hâm mộ, đồng nghiệp…đã tới tham dự sự kiện, trò chuyện, giao lưu với tác giả.
Trong không gian xúc động và đầy cảm xúc, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ, "Đi, Yêu và Viết" là slogan tự tặng cho mình từ khi bắt đầu bước vào nghề cầm bút. Nhưng phải tới khi nghỉ hưu (2015) ông mới bắt đầu cho phép mình đo đạc, kiểm định, viết lại những gì đáng nhớ nhất trên quãng đường làm báo gần nửa thế kỷ qua.
“Tôi viết trang cuối cùng của cuốn hồi ký đúng vào ngày tròn 68 tuổi. Khi ấy, từng chữ, từng dòng, từng trang như cuốn phim chiếu chậm tái hiện những kỷ niệm tuyệt đẹp trong trí nhớ tôi. Đối với tôi, nghề cầm bút đã đem lại cho tôi một cuộc đời đẹp nhất. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn xin tiếp tục được làm nghề báo", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân xúc động tâm sự. Ra mắt cuốn hồi ký, chính là cách ông chia sẻ cuộc đời đẹp nhất của mình với bạn nghề, với những người yêu mến nghề báo và những bài viết của ông trong suốt 40 năm qua.
Không chỉ có thể, cuốn sách còn là những kinh nghiệm làm nghề được đan xen một cách khéo léo với những phóng sự tiêu biểu của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Với độ dày 600 trang, cuốn hồi ký “40 năm, đi, yêu và viết” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được chia làm 4 phần. Chương 1: Điểm lại con đường vào nghề của tác giả, bao gồm thời niên thiếu, giai đoạn theo học khoa Văn, khoa Báo và những tháng ngày bắt đầu cầm bút tại báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động, sau đó trở thành Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, Phó Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam...
Chương 2 đăng tải 15 phóng sự đời thường ưng ý nhất cùng câu chuyện của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi viết những tác phẩm này. Chương 3 chứa đựng các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm. Chương 4 bao gồm bài viết của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về tác giả.
Trong các bài viết đều tổng hợp, phân tích đan xen các yếu tố nghề nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng. Qua đó, bạn đọc, đặc biệt là những độc giả yêu thích nghề báo, mê phóng sự có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất.
“Cuốn sách rất có giá trị đối với những người mới vào nghề, làm nghề, đặc biệt là những nhà báo trẻ. Bởi trong cuốn sách có đầy đủ những kiến thức làm nghề, trải nghiệm của chính tác giả - "Vua phóng sự" của làng báo Việt Nam”, nhà báo Phạm Quốc Toàn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
“Phải Sống chứ không chỉ là Tồn Tại”
Với “40 năm đi, yêu và viết”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tự tổng kết hành trình cầm bút của mình một cách chân thành: “Từ rất sớm, khi còn là một đứa trẻ, tôi đã rất đau đớn nghĩ rằng sao cuộc đời phũ phàng đến thế, đã cho tôi làm một con người, đã cho tôi một cuộc đời đáng sống thế này, rồi một ngày kia lại bắt tôi biến mất khỏi cuộc đời này mãi mãi. Và cũng từ rất nhỏ, tôi đã ý thức, đã khát khao, đã tâm niệm một điều rằng: Tôi phải Sống chứ không chỉ là Tồn Tại…
…Cả trong cuộc đời lẫn trong nghề cầm bút, bản ngã luôn là yếu tố mãnh liệt nhất của tôi. Tôi cũng tự hứa với mình: Khi tôi chào đời thì tôi khóc. Nhưng mai kia, khi chia tay cuộc đời thì tôi sẽ phải mỉm cười. Vì tôi đã được sống một cuộc đời ý nghĩa”.
Tham dự buổi ra mắt sách của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, bạn đọc không chỉ hâm mộ những trang viết tài hoa, sống động của ông mà còn khâm phục ý chí và bản lĩnh của ông trong chặng đường hơn hai năm qua, khi ông bị tai biến trên đường đi công tác. Suốt nhiều tháng trời ông nằm một chỗ không đi lại được, nhưng nói như NSND Nguyễn Hà Bắc, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, người đã dõi theo mọi cột mốc cuộc đời của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, trong đó có cả những ngày đột quỵ rồi đứng dậy từ giường bệnh để vẽ: “Tôi nhìn nhận anh Nhân là người bất khuất. Vì thế, tôi vẽ tóc anh ấy dựng ngược lên. Một người mà đến sợi tóc cũng không bao giờ chịu nằm".
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn hồi ký, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên tâm đắc gọi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là “Nhất diện ngũ Nhân - Huỳnh Dũng”, nghĩa là có nhiều người trong một con người mang tên Huỳnh Dũng Nhân.
“Ít nhất tôi thấy Ngũ Nhân là: Nhân - báo, Nhân - văn, Nhân - họa, Nhân - tình và Nhân - hành. Đọc cuốn hồi ký này bạn sẽ được gặp cả Lục Nhân. Bạn có thể thích một trong sáu tùy sự cảm nhận và thấu hiểu, nhưng thiếu một trong sáu thì không thành và không ra Huỳnh Dũng Nhân”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. Rồi ông hài hước, thủng thẳng nói thêm: “Tuổi đã sắp chạm bảy mươi, lại đã bị một lần tai biến khiến chân đi khập khiễng, lại cũng không bị thúc bách vì báo nữa, nhưng Nhân vẫn nay đây mai đó, lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, đến đâu đăng hình lên Facebook cá nhân ngay tắp lự làm nhiều người trai tráng, khỏe mạnh phải phục và ghen. Thì đó là do cái máu báo nó đã chảy sâu trong người. Nhân - hành đã đi bốn mươi năm qua thì sá gì những năm phía trước lại không đi tiếp”?
“Có sá gì mà không tiếp tục Đi- Yêu và Viết”, đó chính là tinh thần Huỳnh Dũng Nhân. Nên, ở tuổi 68, ông từ TP.HCM ra Hà Nội giới thiệu hồi ký ’40 năm đi, yêu và viết’, miệt mài nhận lời phỏng vấn trên truyền hình, báo chí, không phải để quảng bá cuốn sách của mình, mà hơn thế, ông muốn lan toả tinh thần của một nhà báo dám dấn thân, yêu nghề cháy bỏng tới những thế hệ làm báo, những thế hệ bạn đọc đã từng hâm mộ và dõi theo ngòi bút của ông suốt những năm qua- một nhà báo chân chính, một cây viết đầy nội lực, vì bạn đọc, vì hai chữ Nhà Báo được trân trọng viết hoa…