Những hình ảnh này thường được gọi là "deepfake", đặc biệt khi nói về việc chỉnh sửa hình ảnh một người nào đó. Đôi khi, các tính năng AI đã được tích hợp ngay trong điện thoại thông minh, như tính năng "Add Me" của Google trên Pixel 9, cho phép chèn người chụp ảnh vào một hình ảnh khác.
Các nền tảng như Midjourney giúp việc tạo hình ảnh bằng AI trở nên đơn giản và trông rất chân thực, ví dụ như bức ảnh Đức Giáo Hoàng mặc áo phao Balenciaga trắng được viral năm ngoái khiến nhiều người bị lừa.
Bức ảnh Giáo hoàng Francis mặc áo phao trắng do AI Midjourney tạo ra. Ảnh: Twitter |
Tờ The Independent đã tập hợp một số mẹo tốt nhất để giúp bạn nhận diện hình ảnh deepfake, giúp người xem tránh bị lừa bởi những bức ảnh quá hoàn hảo.
Phóng to chi tiết
Dù là hình ảnh hoàn toàn do AI tạo ra hay các hình ảnh đã chỉnh sửa quá nhiều thì vẫn có một số dấu hiệu nhận biết mà hầu hết các hình ảnh deepfake thường có. Nếu bạn phóng to vào những chi tiết như mắt nhân vật hay đường nét trên khuôn mặt, bạn có thể phát hiện ra sự không nhất quán hoặc mờ nhạt.
Đối với hình ảnh do AI tạo ra, bàn tay và ngón tay vẫn thường là nơi có vấn đề, vì vậy bất kỳ sự kỳ lạ nào ở những khu vực này đều có thể dễ nhận thấy. Hơn nữa, nếu một deepfake được tạo ra bằng cách thay thế khuôn mặt, bạn sẽ thấy sự mờ nhòe xung quanh phần rìa của toàn bộ khuôn mặt. Trong video, môi có thể không khớp với lời nói mà họ đang phát ra, điều này cũng có thể giúp bạn nhận ra.
Suy nghĩ theo cảm xúc
Một điều mà nhiều ứng dụng hoán đổi khuôn mặt hoặc chương trình deepfake gặp khó khăn là thể hiện những cảm xúc đặc biệt phức tạp vì biểu cảm trên khuôn mặt rất nhiều cử động nhỏ.
Vì vậy nếu bạn nhìn thấy một nụ cười rạng rỡ nhưng có vẻ hơi cứng nhắc, hoặc một khuôn mặt hoàn toàn trung tính thì đó có thể là một dấu hiệu khác cho thấy có điều gì đó không ổn. Điều này cũng dễ nhận thấy hơn trong video, nơi một biểu cảm có vẻ không hoàn toàn phù hợp với những gì họ đang nói.
Hình ảnh do AI tạo ra đang ngày càng trở nên tinh vi hơn. Ảnh: iStock |
Nhìn tổng thể bức ảnh
Điều này có thể hơi khó định nghĩa, nhưng hầu hết các công cụ tạo hình ảnh bằng AI vẫn có xu hướng tạo ra những bức ảnh không hoàn toàn trông giống thật, vì chúng thường quá hoàn hảo. Điều này có nghĩa là trong một bức ảnh nhóm, mọi người đều được chiếu sáng gần như giống hệt nhau, không có bóng tối che khuất hay sự khác biệt nào, hoặc bức ảnh giống như nhựa hoặc sáp, tạo cảm giác hơi “kỳ lạ”.
Mặc dù không phải lúc nào cũng dễ dàng chỉ ra một điểm ảnh cụ thể, nếu bạn nghĩ một bức ảnh trông có vẻ không thực thì bạn nên dành thời gian để tìm hiểu thêm về nó.
Đừng bỏ qua phần nền
Đặc biệt trong các bức ảnh về con người, bạn chú ý vào những thứ như khuôn mặt hoặc mái tóc của ai đó để cố gắng tìm ra xem họ có phải là người thật hay không, nhưng phần nền của một bức ảnh thường có thể sai lệch một cách rõ ràng.
Ví dụ, phần nền do AI tạo ra sẽ có những mâu thuẫn vật lý hoặc kiến trúc không hợp lý với bối cảnh thật. Điều này cũng đúng đối với các vật dụng và thiết bị có thể bị mờ hoặc không nằm ở giữa bức ảnh.