Cụ thể, chính phủ Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng vào sáng thứ Ba để quyết định thời điểm cụ thể của việc xả thải.
Thủ tướng Kishida Fumio hôm thứ Hai đã gặp ông Sakamoto Masanobu, người đứng đầu Liên đoàn Hợp tác xã Thủy sản Quốc gia, và cho biết chính phủ Nhật Bản "hứa sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết" trong nhiều thập kỷ cho đến khi nhà máy ngừng hoạt động.
Người đứng đầu liên đoàn cho biết ông "vẫn phản đối" việc xả nước. Ông Sakamoto lưu ý rằng "thiệt hại về uy tín của hải sản sẽ không biến mất", nhưng thừa nhận rằng "sự hiểu biết của công chúng về mức độ an toàn khoa học đã sâu sắc hơn".
"Lời hứa của Thủ tướng Kishida là một tuyên bố nghiêm túc và chúng tôi sẽ tiếp nhận một cách nghiêm túc", ông Sakamoto nói.
Sau cuộc gặp với ông Sakamoto, Thủ tướng Kishida nói với các phóng viên rằng chính phủ sẽ "quyết định thời điểm xả thải sau khi xác nhận tình trạng nỗ lực đảm bảo an toàn và chống lại những tin đồn".
Bộ trưởng Công nghiệp Nishimura Yasutoshi dự kiến sẽ đến thăm tỉnh Fukushima sau cuộc họp hôm thứ Ba để giải thích quyết định của chính phủ cho cư dân địa phương.
Trước đó, Thủ tướng Kishida đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào Chủ Nhật.
Lượng nước vốn được sử dụng để làm mát các mảnh vụn phóng xạ bị mắc kẹt bên trong nhà máy sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011 hiện đang được lưu trữ trong hơn 1.000 bể chứa gần đầy.
Lượng chất phóng xạ trong nước thải đã được hạ xuống dưới mức quy định của chính phủ ngoại trừ tritium. Công ty điều hành nhà máy sẽ pha loãng nước nhiễm phóng xạ với nước biển trước khi xả ra Thái Bình Dương.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào tháng 7 cho biết rằng kế hoạch xả nước sẽ có tác động bức xạ "không đáng kể" đối với con người và môi trường.
Các nước láng giềng Nhật Bản đã bày tỏ phản ứng trái chiều trước quyết định xả thải. Tổng thống Hàn Quốc Yun Suk-yeol nói ông tôn trọng báo cáo của IAEA, trong khi Trung Quốc tiếp tục chỉ trích việc xả thải.