Những tia nắng ấm áp thi nhau chiếu xuống sau chuỗi ngày mưa rét cóng tay khiến tôi khá luyến tiếc thời tiết se lạnh nơi này. Nhưng đã đến lúc tôi phải lên đường để tới điểm dừng chân thứ hai sau 5 ngày “hạ trại” tại đây. Điểm tiếp theo tôi sẽ đến với xã Chiềng Pằn (huyện Yên Châu), cách thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu) hơn 50km.
Đường vào huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La). |
Xã Chiềng Pằn là xã vùng I của huyện Yên Châu, nằm dọc trục quốc lộ 6, cách trung tâm huyện 4km về phía thành phố Sơn La. Đặt chân đến Chiềng Pằn, qua thăm hỏi bà con, tôi tìm đến nhà bà Lò Thị Xuân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hoá Thái cổ Mường Vạt, huyện Yên Châu để tìm hiểu văn hóa người Thái.
Bà Lò Thị Xuân là người bảo tồn văn hóa cổ của dân tộc Thái tại Mường Vạt. |
Sinh ra và lớn lên ở Mường Vạt (Yên Châu, Sơn La), bà Lò Thị Xuân là một phụ nữ Thái giản dị, cởi mở, rất tâm huyết với việc bảo tồn văn hoá cổ của người Thái tại huyện Yên Châu. Bao năm qua, dù công tác trong ngành Y nhưng bà vẫn dốc sức sưu tầm và bảo tồn văn hoá dân tộc Thái cổ của mình từ khi mới 12-15 tuổi.
Bà Xuân kể, khi về hưu, trước nguy cơ nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái bị mai một, tháng 11/2019, bà đã mạnh dạn cùng những người am hiểu về văn hóa Thái trên địa bàn các xã Chiềng Pằn, Chiềng Đông, Viêng Lán và thị trấn Yên Châu thành lập nhóm “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt”. Bà khao khát truyền giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cổ xưa qua chữ viết, qua khung cửi dệt vải, thêu khăn Piêu và hát các bài hát cổ.
48 thành viên của nhóm “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt” không chỉ là những người có khả năng sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ, trình diễn các làn điệu dân ca, kể các câu truyện cổ, trường ca của người Thái, mà còn rất tâm huyết, trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa dân tộc.
Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá Thái cổ Mường Vạt. |
Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái được các thành viên sưu tầm, phục dựng, biểu diễn... Đến năm 2021, nhóm chuyển đổi thành Câu lạc bộ yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt với hơn 60 thành viên tham gia, truyền dạy thêm nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái với các sản phẩm, như: Khăn piêu, váy, áo cóm, gối, chăn...
Bà Lò Thị Xuân đang giới thiệu về cách ăn mặc của phụ nữ Thái cổ. |
Bà Lò Thị Xuân hướng dẫn cách cuốn xà cạp - nét độc đáo riêng của người Thái tại Mường Vạt. |
Vợ chồng bà Lò Thị Xuân trong trang phục Thái cổ của nam và nữ. |
Đã làm phải làm thật chỉn chu và có tâm, bà Xuân còn công phu làm hẳn một phòng riêng để trưng bày đồ dùng của người Thái, giúp mọi người có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa, phong tục của người Thái cổ. Bà muốn gửi thông điệp đến những người Thái trẻ cũng như đồng bào các dân tộc khác, hãy thật yêu lấy bản thân mình, yêu những nét văn hóa của dân tộc mình; yêu dân tộc mình để nối tiếp thế hệ đi trước, truyền dạy thế hệ đi sau.
Phòng trưng bày các hiện vật đồ dùng của người Thái. |
Từng đồ dùng, vật dụng đều được bà Lò Thị Xuân tỉ mỉ phục dựng, trưng bày như giữ cả "mùa Xuân" của người Thái cổ |
Tạm biệt Mộc Châu, đặt chân đến Chiềng Pằn, tôi như bị cuốn theo "cơn say" của những điệu hát cổ, những sắc khăn piêu của chị em phụ nữ rực rỡ trên những hàng rào đá…
Ngay lúc này, mảnh đất Tây Bắc đón tôi bằng tất cả sự nồng hậu của người Thái cùng tất cả sự hùng vĩ của núi rừng cao nguyên đá.