Tam Đảo sẽ đón khoảng 40.000 lượt khách
Ngay từ đầu hè, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ của huyện Tam Đảo, nhất là thị trấn Tam Đảo đã chủ động đầu tư, sửa chữa, trang bị thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ sẵn sàng đón khách du lịch.
Ông Nguyễn Duy Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết, để phục vụ du khách tốt nhất, thị trấn đã chỉnh trang đô thị, tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp và thân thiện; đồng thời, tổ chức kiểm tra, yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, đơn vị kinh doanh dịch vụ cam kết không tăng giá, có ứng xử chuẩn mực, thân thiện, tạo thiện cảm tốt với du khách.
Dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, thị trấn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, bắn pháo hoa tầm thấp... vào các buổi tối tạo điểm nhấn thu hút du khách.
Dự kiến, 4 ngày nghỉ lễ từ 31/8-3/9, Khu du lịch Tam Đảo sẽ đón khoảng 40.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 15.000 lượt.
Hiện thị trấn Tam Đảo có gần 200 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 7.000 phòng nghỉ và hơn 70 nhà hàng. Để hấp dẫn du khách, nhiều nhà hàng, khách sạn đã triển khai các chương trình kích cầu, giảm giá ăn, nghỉ, dịch vụ đi kèm.
Khu du lịch Đại Lải, thành phố Phúc Yên có quy mô hơn 10 km2, trong đó Flamingo Đại Lải Resort là khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp với hơn 50 biệt thự, cùng với đó là hệ thống nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí... đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân. Khu du lịch đã chỉnh trang cơ sở vật chất, nâng cấp phòng nghỉ, tuyển thêm nhân viên nhằm phục vụ tốt trong những ngày cao điểm nghỉ lễ; đồng thời, đưa ra nhiều khuyến mại hấp dẫn thu hút du khách.
Lượng khách đặt phòng cho dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay tại các cơ sở lưu trú của tỉnh đã đạt 70- 80%. Cá biệt như tại Khách sạn Venus Tam Đảo đã đạt gần 100% trong các ngày 31/8 và 1/9, các ngày còn lại đều đạt trên 70%; Khách sạn De L’mour Tam Đảo đạt trên 90%; Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải đạt trên 90%. Khách đặt phòng nghỉ, dịch vụ ăn uống chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng. Đáng chú ý, lượng khách từ miền Trung, miền Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Trải nghiệm tham quan Đảo Cò
Để đảm bảo tốt công tác phục vụ du khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương đã đề nghị các Hiệp hội Du lịch, Phòng Văn hóa thông tin, Ban Quản lý các di tích: Côn Sơn – Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng... chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện phục vụ du khách.
Ông Nguyễn Đăng Tuyên, Ban Quản lý Khu di tích quốc gia danh lam thắng cảnh Đảo Cò cho biết, Ban Quản lý đã kiểm tra toàn bộ thuyền chở khách, thuyền đạp vịt đang hoạt động; chuẩn bị đầy đủ áo phao, phao cứu sinh cho du khách khi tham quan Đảo Cò. Ban Quản lý huy động toàn bộ đội ngũ nhân viên của khu du lịch tích cực hướng dẫn khách, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian các đoàn khách đến tham quan.
Năm 2024, Khu Di tích đã thực hiện bán vé điện tử để du khách thuận tiện hơn. Bên cạnh các hoạt động du lịch và trải nghiệm ở Đảo Cò, Ban Quản lý còn phối hợp với các địa phương xung quanh tổ chức tour du lịch trảỉ nghiệm như: di dạo quanh khu vực Đảo Cò tại đường vành đai xung quanh đảo, thăm vùng sản xuất dưa lưới sạch tại thôn Triều Dương.
Tại Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, vào dịp Quốc khánh 2/9, Ban Quản lý tổ chức nhiều hoạt động như: Chợ quê gồm 22 gian hàng ẩm thực, nông sản và quà lưu niệm. Hàng tuần Khu Di tích còn tổ chức các hoạt động thưởng thức trà sen, các trò chơi dân gian, văn hóa, thể thao.